Doanh nghiệp ngoại 'khát' nhân lực, lương 41 triệu đồng/tháng vẫn khó kiếm người
Sau 2 năm COVID-19, tình trạng thiếu hụt lao động ở một số quốc gia như Nhật, Hàn, Đức... càng trở nên trầm trọng do không thể tuyển nhân lực từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Khi những chính sách đi lại và nhập cảnh giữa các quốc gia trở lại bình thường sau cao điểm COVID-19, các trường cao đẳng, trung cấp trong nước ngay lập tức nhận được những lời đề nghị đào tạo nhân lực ra nước ngoài làm việc.
Đỏ mắt tìm người
ThS Võ Thị Mỹ Vân - hiệu trưởng Trường Du lịch và khách sạn Saigontourist - cho biết đầu năm 2022, trường ký độc quyền với một tập đoàn lớn ở Pháp chuyên cung ứng nhân sự các ngành bếp, bánh, lễ tân, phục vụ. Sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có thể sang Pháp làm ngay. Các vị trí lễ tân, phục vụ sẽ bắt buộc phải biết giao tiếp bằng tiếng Pháp.
Mức lương khởi điểm đã trừ hết tất cả các chi phí là 1.670 euro/tháng, tương đương khoảng 41 triệu đồng/tháng. Trong 2 năm lao động tại châu Âu, lương sẽ tăng theo thời gian. Đơn vị sử dụng lao động ở Pháp sẽ lo mọi khoản sinh hoạt phí bao gồm tiền ăn, ở, di chuyển.
Theo bà Vân, các chế độ đãi ngộ như trên được đánh giá khá hấp dẫn, nhất là với những sinh viên mới ra trường. Dù vậy đến nay, số bạn trẻ thực sự quan tâm không như kỳ vọng.
Đối tác đưa ra mục tiêu cho trường cung ứng sang Pháp khoảng 200 ứng viên ngay trong hè 2022 nhưng cho tới cuối tháng 5 vừa qua, trường chỉ mới nhận trên dưới 50 hồ sơ, trong đó 20 hồ sơ đã được duyệt.
TS Hoàng Văn Phúc - hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn - cho biết một nhóm sinh viên năm cuối của trường thuộc các ngành công nghệ, kỹ thuật ôtô đang gấp rút chuẩn bị lên đường thực tập có lương tại Nhật.
Chương trình này lần đầu tiên được triển khai trở lại sau 2 năm "đóng băng" vì dịch COVID-19. Sinh viên sẽ được thực tập trong các doanh nghiệp, nhà xưởng từ 10 - 12 tháng, được hưởng lương, bao ăn ở, vé máy bay.
"Không chỉ ở Nhật, các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Đài Loan cũng đang rất quan tâm đặt hàng sinh viên tốt nghiệp các trường nghề sau dịch. Dù vậy số lượng sinh viên chọn ra nước ngoài có vẻ không nhiều. Trong đợt đi Nhật vào tháng 10 sắp tới, chúng tôi chỉ kỳ vọng được khoảng 30 em"- ông Phúc nói.
Còn nhiều rào cản
ThS Nguyễn Khánh Cường - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) - cho biết thông qua các cơ quan hợp tác quốc tế, trường và một số doanh nghiệp Đức đã triển khai nhiều dự án kết nối cho sinh viên học các ngành kỹ thuật sang Đức làm việc.
Mức lương khởi điểm rất cạnh tranh khoảng 3.000 euro/tháng (75 triệu đồng/tháng) nhưng nguồn sinh viên trong những năm qua không đáp ứng đủ nhu cầu rất lớn của đối tác.
Mỗi khóa "Con đường đến làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức", trường tiếp nhận khoảng 15 - 20 sinh viên, được đánh giá là khá khiêm tốn.
Lý giải về điều này, ông Cường cho rằng dù yêu cầu về kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp không quá khó nhưng nhiều bạn gặp thách thức với tiêu chuẩn tiếng Đức. Các bạn trước khi xuất ngoại được yêu cầu đạt trình độ tiếng Đức B1 theo khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu.
"Nhiều bạn giỏi kỹ thuật nhưng lại không có khiếu học ngôn ngữ. Một số bạn không nỗ lực hết mình. Số khác mặc định tiếng Đức là ngôn ngữ khó nên ngại học ngay từ ban đầu" - ông Cường nói.
Dưới góc nhìn cá nhân, TS Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - cho rằng thay vì xuất ngoại, phần nhiều sinh viên thích làm việc gần nhà hoặc làm ở các thành phố lớn trong nước.
Tâm lý muốn gắn bó với gia đình vốn đã trở thành một nét truyền thống của người Việt đã làm cho không ít sinh viên rất đắn đo khi chọn ra nước ngoài phát triển.
Nếu mức lương khi ra nước ngoài làm việc khoảng 30 triệu đồng/tháng, các bạn trẻ có thể sẽ không thấy hấp dẫn so với việc ở lại các thành phố lớn trong nước dù làm lương 15 triệu đồng/tháng hay thậm chí ở quê với lương chỉ 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, nhiều đối tác dù thiếu lao động trầm trọng nhưng vẫn khá khắt khe chứ không hạ chuẩn trong chuyện tuyển chọn.
Các hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và bên tuyển dụng thường được làm rất chặt chẽ, trong đó họ liệt kê ra rất nhiều những tiêu chí cụ thể. Bên cạnh kỹ năng, kiến thức, ngôn ngữ, họ đòi hỏi các ứng viên phải có thái độ tốt và am hiểu môi trường văn hóa ở nước sẽ đến làm việc.
Cần rèn tác phong công nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia đào tạo tại Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhận xét sinh viên trường nghề ở Việt Nam thường rất chăm chỉ, không ngại cực khổ, chịu khó học hỏi.
Tuy nhiên, phần lớn thường thiếu tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc trong môi trường chuẩn quốc tế. Sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng nhiệm vụ, khả năng giao tiếp, ứng xử đôi khi cũng không nổi trội ở các sinh viên Việt.
Nghĩ con đường dài
TS Đồng Văn Ngọc cho rằng mỗi bạn trẻ sẽ có những hướng phát triển bản thân khác nhau sau khi hoàn thành chương trình học ở một trường cao đẳng, trung cấp. Có bạn cảm thấy mình dễ tiến bộ hơn ở các công ty trong nước, có bạn thích ra nước ngoài để trải nghiệm môi trường kỹ thuật cao.
"Vì vậy, sinh viên cần xác định đâu là con đường tốt nhất cho mình từ sớm. Nếu chọn hướng ra nước ngoài, bạn nên biết sau khi hết thời hạn lao động ở nước ngoài bạn sẽ học được gì, tiến bộ thêm ra sao và quan trọng nhất là sẽ làm gì tiếp theo? Ra nước ngoài, mức đãi ngộ cao hay thấp không phải là tất cả" - ông Ngọc kết luận.
Những ngày cuối tháng 5, nhiều sinh viên Ấn Độ, Honduras, Nigeria… đến Việt Nam nhập học ngành y khoa. Sự kiện này được đánh giá như cột mốc quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam khi từng bước trở thành điểm đến cho du học sinh các nước.