Doanh nghiệp ngành than: Doanh thu tăng cao, lợi nhuận lẹt đẹt

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 10:16:53

Kết thúc quý I/2022, đa số doanh nghiệp ngành than ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn so với quý I năm ngoái do nhu cầu than trong và ngoài nước đã tăng cao.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ than trong nước ở mức cao, nhất là than cho sản xuất điện. Nhiệt điện than hiện chiếm hơn 30% tổng công suất nguồn điện của toàn quốc và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với nhu cầu tăng cao, giá than trong nước được kỳ vọng sớm được điều chỉnh, từ đó gia tăng biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành than là ngành chịu tác động trực tiếp từ cơn sốt than, nhưng chính sách giá than chịu sự quản lý chặt của Chính phủ nên hầu hết ngành than chưa được hưởng lợi từ cơn sốt than hiện tại.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), hiện giá than trong nước đang ở mức khiêm tốn so với giá thế giới. Tại thời điểm hiện nay, căng thẳng giữa Nga – Ukraine càng khiến nguồn cung than thiếu hụt do đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện giá thế giới đã tăng gấp từ 2,5 - 3 lần giá trong nước và có thế tiếp tục tăng trong thời gian tới.


Thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) , quý I vừa qua, than nguyên khai sản xuất thực hiện 10,58 triệu tấn, đạt 27,1% kế hoạch năm, bằng 106% so với cùng kỳ năm ngoái; than tiêu thụ 11,07 triệu tấn, bằng 25,7% kế hoạch năm và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng kết quý I, doanh thu của TKV ước đạt 32.873 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ 2021.Trong đó, doanh thu than đạt 19.419 tỷ đồng, đạt 26 % kế hoạch năm, tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận dự kiến đạt 600 tỷ đạt 17% kế hoạch năm.

Hầu hết các doanh nghiệp thành viên của TKV đều có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng tiêu thụ và giá than tăng, tuy nhiên lợi nhuận lại có sự phân hóa.


Là doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong các doanh nghiệp ngành than, Than Vàng Danh (TVD) ghinhận doanh thu tăng 15%, ở mức 1.464 tỷ đồng. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước thì lợi nhuận sau thuế lại giảm 3%, đạt 11,7 tỷ đồng do chi phí giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận bị thu hẹp từ 7,4% xuống còn 5,5%.

Các doanh nghiệp khác như Than Núi Béo (NBC), Than Hà Lầm (HLC), Xuất nhập khẩu than (HNX: CLM), Than Cọc Sáu (TC6), Than Hà Tu (THT) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều có sự tăng trưởng so với quý I năm ngoái.


Theo đó, Than Núi Béo (HNX: NBC) ghi nhận doanh thu trong quý đạt hơn 840 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với doanh thu 227 tỷ đồng đạt được quý I/2021. Than Núi Béo cho biết, tình hình tiêu thụ than quý I thuận lợi làm cho doanh thu tăng mạnh.

Tuy nhiên giá vốn tăng cao khiến cho lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm còn 82 tỷ đồng, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Trừ các chi phí khác, lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, hơn gấp 4 lần so với số lãi gần 2 tỷ đồng đạt được quý I/2021.


Than Hà Lầm (HNX: HLC) đạt 881 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng nhẹ lên 12 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với quý I/2021. Công ty cho biết, kết quả kinh doanh khả quan là nhờ vào hoàn thành tốt kế hoạch tiêu thụ than theo hợp đồng phối hợp kinh doanh với TKV.


Xuất nhập khẩu than (HNX: CLM) thông báo sản lượng kinh doanh than của công ty tăng cao so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là sản lượng than tự doanh, đồng thời giá than tăng nên chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận 3 tháng đầu năm nay đều tăng trưởng.

Cụ thể, công ty này ghi nhận 824 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng gấp đôi lên 75 tỷ đồng, trong khi cùng kì chỉ 42 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, CLM có hơn 10 tỷ đồng lãi sau thuế, con số này gấp 2 lần so với 5,1 tỷ đồng ghi nhận được tại quý I/2021.


Than Cọc Sáu (HNX:TC6) có 448 tỷ đồng doanh thu, tăng 17%; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 31%, đạt 2,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.


Than Hà Tu (THT) cũng công bố kết quả quý I/2022 với các chỉ tiêu đề ra đều hoàn thành. Công ty cho biết doanh thu than đạt trên 1000 tỷ đồng, bằng 26,3 % kế hoạch năm; lợi nhuận trên 10 tỷ đồng, đạt 33 % kế hoạch.


Ở chiều ngược lại, Than Mông Dương (MDC) là doanh nghiệp duy nhất ghi nhận cả doanh thu lẫn lợi nhuận sụt giảm. Doanh thu quý I chỉ đạt 513 tỷ đồng, lãi sau thuế là 5,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 6% và 30, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ than giảm.


Còn Than Miền Bắc (TMB) là doanh nghiệp có doanh thu cao thứ hai (1.117 tỷ đồng) nhưng đây lại là doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ sau thuế lớn nhất với 39 tỷ đồng trong khi khoản lỗ năm ngoái chỉ gần 13 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do khoản chi phí bán hàng, cụ thể ở đây là chi phí cho nhân viên tăng cao đột biến.

Trong năm nay, việc thiếu than đang hiện hữu nhưng Bộ Công Thương khẳng định sẽ không thiếu điện đáp ứng cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.


Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ 18 - 25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022. Trong khi đó, tổng nhu cầu than của Việt Nam năm 2022 ước tính khoảng 90 triệu tấn; trong đó, khai thác trong nước gần 50 triệu tấn. Điều này cho thấy việc bảo đảm cấp đủ nhu cầu than gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Trước tình hình này, vừa qua Bộ trưởng Công Thương đã có đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu than của Australia, đặc biệt là các hội viên của Hội đồng Khoáng sản Australia tăng lượng cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam ngay từ tháng 4/2022.

Bộ trưởng cũng đã làm việc với Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đề xuất mua than ngay trong tháng 4, tháng 5 để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng.


Về phía TKV, Tập đoàn cho biết đã có yêu cầu các đơn vị tập trung cho sản xuất để tăng sản lượng than tối đa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm ở mức cao nhất. TKV dự kiến cấp 5,1 triệu tấn than trong quý II, đồng thời cũng lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 4,8 triệu tấn cho năm nay .

Chia sẻ Facebook