Doanh nghiệp ngành gỗ đã kín đơn hàng đến quý 3-2022

Chia sẻ Facebook
30/03/2022 01:11:42

Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nội thất đạt 3,94 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Không chỉ kín đơn hàng đến quý 3-2022, một số doanh nghiệp cũng đã chốt xong đơn hàng hết năm 2022.

Ngành gỗ Việt nhiều đơn hàng nhưng cũng gặp nhiều áp lực từ biến động chung của thế giới - Ảnh: N.BÌNH


Ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho biết như vậy ngày 29-3.


Khác với việc thiếu đơn hàng và khá bị động khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, năm nay, nhu cầu nội thất thế giới vẫn trên đà tăng.


Theo ông Phương, doanh nghiệp ngành nội thất Việt Nam hiện đã kín đơn hàng cho đến quý 3, thậm chí là hết năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 3,94 tỉ USD, giữ được mức tăng trưởng 3% so với năm 2021.


Trong tháng 3, mức tăng trưởng có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn là con số cao so với thời điểm 2020.


Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỉ USD/tháng thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 16,5 tỉ USD cuối năm 2022 hoàn toàn khả thi.


Tuy nhiên, theo ông Phương, cùng với dịch bệnh, những biến động về chính trị thế giới thời gian gần đây cũng đang gây nên xáo trộn đáng kể cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và nhất là tình hình và chi phí logistics.

Bà Dương Thị Minh Tuệ, giám đốc kinh doanh Công ty gỗ Minh Dương, cho biết đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã kín đến hết quý 3-2022 và vẫn đang tiếp nhận đơn hàng cho quý 4. Tuy nhiên, chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên giá thành sản phẩm rất cao, nhiều đơn hàng chốt trước biến động giá nguyên liệu nên doanh nghiệp bị "ăn" vào lợi nhuận.

"Một container đi châu Âu hiện dao động 6.000-8.000 USD, đi Mỹ khoảng 10.000-12.000 USD. Nhưng có những đơn hàng, nhà mua hàng phải tốn đến 25.000 USD để vận chuyển một container từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Mỹ", bà Minh Tuệ cho biết.


Theo bà Bùi Thị Thanh An - phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade), trong năm 2021, ngành gỗ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn quốc.

Để tạo thêm động lực tăng trưởng cho ngành, cục đã, đang và sẽ phối hợp với các tổ chức, hiệp hội… triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, mang đến cơ hội tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn cung lẫn dịch vụ cho doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.


Tuần lễ giao thương nội thất Việt Nam - Vietnam Furniture Matching Week (VFMW) 2022 là một trong những chương trình mang ý nghĩa đó.


Giữa những căng thẳng chính trị thế giới, dịch bệnh ngăn trở và rối loạn logistics toàn cầu… bằng cách mang các doanh nghiệp tương ứng về mặt cung - cầu đến với nhau thông qua môi trường truyền thống lẫn hiện đại, bà An cho biết VFMW 2022 sẽ là cầu nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội thất Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thuận lợi hơn.

Thông tin thêm về VFMW 2022, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết tuần lễ được tổ chức không chỉ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nội thất và thủ công mỹ nghệ Việt Nam mở rộng tìm kiếm khách hàng ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa, mà còn tạo ra các kết nối giao thương trong cả hệ sinh thái nội thất để doanh nghiệp có thể tiếp cận cả những dịch vụ phụ trợ, vận chuyển, kiểm định… tốt nhất trong chuỗi cung ứng ngành.


Diễn ra từ ngày 13 đến 20-4, VFMW 2022 là sự kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động online lẫn offline. Trong đó, ngày 13 và 14-4 Furniture Sourcing Day là hoạt động hướng đến hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam tìm kiếm đối tác và kết nối giao thương B2B.


Ngoài các gian hàng của doanh nghiệp tham gia triển lãm, trong ngày 14-4, ban tổ chức còn dành không gian để các doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp với nhau, cùng gặp nhau tại chuỗi Cà phê kết nối doanh nghiệp theo từng chuyên đề, là những mã hàng của ngành như: indoor, outdoor, sofa, tủ kệ bếp…

Chia sẻ Facebook