Doanh nghiệp ngành gạo dự phòng tồn kho bao nhiêu trước thuận lợi lớn?
Trước thông tin tích cực từ thị trường, giá gạo liên tục tăng, doanh nghiệp ngành gạo đã tăng cường dự trữ hàng tồn kho với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Số liệu thống kê từ Tổng Cục hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/5, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,3 triệu tấn, thu về hơn 1,7 tỷ USD, tăng 37,4% về lượng và 48,4% về giá trị.
Tín hiệu tích cực trên được duy trì từ tháng 4/2023 khi kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng đến 54,5%, đạt 1,56 tỷ USD (tương đương khoảng 36.628 tỷ đồng). Trước bối cảnh đó, những doanh nghiệp tích trữ được lượng hàng tồn kho lớn sau quý I/2023 sẽ trực tiếp được hưởng lợi.
Hàng nghìn tỷ đồng hàng tồn kho
Bao trùm lên ngành gạo trong quý I/2023 là một màu ảm đạm khi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị bào mòn bởi áp lực lãi vay, thậm chí đã có doanh nghiệp báo lỗ.
Với anh cả ngành gạo, ngay trong quý đầu năm Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đã ghi nhận lỗ tới 80 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi. Tuy nhiên, công ty lại tăng cường trích lập chỉ số hàng tồn kho, ở mức 2.742 tỷ đồng, tăng gần 30% so với số đầu năm. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong kỳ đã giảm từ 4,1 tỷ đồng xuống chỉ còn 3,4 tỷ đồng.
Cụ thể, chỉ số nguyên vật liệu đạt 1.206 tỷ đồng và thành phẩm đạt 1.023 tỷ đồng; tăng lần lượt tới 63% và 37% so với cùng kỳ.
Với lợi nhuận âm, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II; UPCoM: VSF) cũng ghi nhận xu hướng hàng tồn kho tương tự Lộc Trời, sở hữu lượng hàng tồn kho đạt 3.197 tỷ đồng, tăng 179%. Trong đó, tăng chủ yếu đến từ nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm.
Cụ thể, khoản chi phí nguyên liệu, vật liệu ghi nhận tăng từ 469 tỷ đồng tại đầu kỳ lên 1.415 tỷ đồng tại cuối kỳ, tương đương tăng gấp hơn 3 lần. Thành phẩm cũng tăng mạnh 153% lên mức 984 tỷ đồng.
Là một trong số ít những doanh nghiệp có tín hiệu kinh doanh tăng trưởng trong nhóm ngành gạo, chỉ số hàng tồn kho của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex - UPCoM: AFX) cũng ở tình trạng tăng so với đầu năm, ở mức 194,5 tỷ đồng. Trong đó chiếm chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh và nguyên liệu, vật liệu.
Ngược lại với xu hướng trên của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận hàng tồn kho vào ngày 31/3/2023 giảm nhẹ so với đầu kỳ, ở mức 1.363 tỷ đồng. Trong đó, khoản thành phẩm tăng 32% so với đầu năm.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) với hàng tồn kho ghi nhận giảm từ 3.049 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn 3.018 tỷ đồng vào cuối kỳ. Trong đó, chiếm chủ yếu là thành phẩm chiếm tới 48%, đạt 1.493 tỷ đồng.
Năm 2023 nhiều thuận lợi
Theo chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ngành lúa gạo Việt Nam đang có yếu tố thiên thời và địa lợi. Việc thời tiết thuận lợi đang tạo ra lợi thế cho DN Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh.
Trong khi đó, hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.
Theo cân đối của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tổng lượng gạo hàng hóa dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,124 triệu tấn; trong đó, xuất khẩu gạo tháng 1 là 390.000 tấn.
Do đó, tiêu thụ gạo hàng hóa 5 tháng còn lại cần đạt là 3,73 triệu tấn, chưa kể lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ và lượng lúa từ Campuchia chảy về Việt Nam. Thời điểm lượng gạo hàng hóa cần tập trung xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm là tháng 2 đến tháng 4.
Dự báo của VCBS cho biết các nước châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu phân bón từ tháng 6/2022. Do đó chi phí đầu vào sản xuất lúa gạo năm 2023 được dự báo giảm, góp phần nâng cao biên lợi nhuận của doanh nghiệp .