Doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, điểm cốt lõi để phát triển
Tại hội chợ, nhiều doanh nghiệp Việt sẽ có thêm cơ hội trao đổi thông tin hữu ích, cập nhật xu hướng mới qua kết nối giao thương, mở rộng thị trường, kết nối giao
Hội chợ triển lãm “Tôn vinh hàng Việt năm 2023” với chủ đề “Hàng Việt hướng ra thế giới” do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP (ITPC) tổ chức đã chính thức khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).
Hội chợ triển lãm “Tôn vinh hàng Việt năm 2023” diễn ra từ ngày 16-18/8/2023 tại SECC.
Trải qua 15 lần tổ chức, Hội chợ Triển lãm “Tôn vinh hàng Việt” năm 2023 quy tụ 285 gian hàng và bàn giao thương của 150 doanh nghiệp tham gia, tăng 25% so năm 2022, hiện diện phần lớn các đơn vị thương hiệu mạnh như hàng chế biến thực phẩm, dệt may, giày dép, nhựa gia dụng, thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, hóa phẩm, du lịch…
Đặc biệt, có khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm các ngành hàng chủ lực TP, Ngày hội kết nối giao thương B2B. Qua đó, giúp cho nhà mua hàng, người tiêu dùng có cơ hội được nhận diện các sản phẩm có chất lượng, các sản phẩm chủ lực của thành phố, các thương hiệu Việt uy tín.
Điểm nhấn là “Ngày hội kết nối giao thương” sẽ diễn ra ngày 18/8, nhằm tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp giao lưu, tìm hiểu, trải nghiệm, các sản phẩm, thương hiệu Việt.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Triển lãm “Tôn vinh Hàng Việt năm 2023”, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, người môi giới, nhà mua hàng tiềm năng, tiếp cận nắm bắt nhu cầu, xu hướng hàng hóa, quảng bá thương hiệu, quan tâm các sản phẩm trong nước. Đồng thời, cũng là dịp nhận diện hàng Việt Nam giúp tạo tin tưởng và ưu tiên từ người tiêu dùng.
Bên cạnh việc tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao ý thức tiêu dùng hàng Việt, một trong các nội dung trọng tâm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố vẫn là đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tập trung chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi số qua ứng dụng thương mại điện tử, hoàn thiện hệ thống phân phối, đa dạng hóa thị trường. Đặc biệt khuyến khích sản xuất sản phẩm “xanh, tuần hoàn” thúc đẩy mô hình doanh nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, biến thành trào lưu chung, hướng tới tiêu chí đánh giá cho sản phẩm Việt.
Mỗi doanh nghiệp đều trở thành “mắt xích”
Trả lời câu hỏi do anh nghiệp Việt Nam cần làm gì để đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối và các hệ thống bán lẻ quốc tế của báo Công thương, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình kéo dài 7 năm, đến năm 2030. Chương trình này là kết quả của 5 năm phát triển trước đó đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực và có sự hưởng ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, của các hiệp hội ngành hàng cũng như các địa phương.
Qua thực tế, không chỉ về phía Việt Nam mà cả các nhà bán lẻ, nhà phân phối nước ngoài đã coi Việt Nam trở thành một địa điểm chiến lược trong chiến lược thu mua trên thị trường toàn cầu. Việc chuyển sang Việt Nam để thay thế một số nước khác trong quá trình dịch chuyển cung ứng tạo nên cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam phải làm như thế nào để đáp ứng được những yêu cầu của các nhà phân phối, các hệ thống bán lẻ quốc tế? Từ thực tế này, sắp tới sẽ có một sự kiện kết nối vào tháng 9 tại Tp.Hồ Chí Minh, trong đó thu hút rất nhiều các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như: Walmart, Amazon, Aeon; các tập đoàn bán lẻ ở khu vực Mỹ Latinh; khu vực châu Á, châu Phi.
"Chúng tôi nhận thấy, vấn đề doanh nghiệp cần hiện nay chính là thông tin. Vì vậy để chuẩn bị cho sự kiện này, rất nhiều hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, những cơ hội ngành hàng đã được tổ chức. Hệ thống thương vụ ở tất cả các nước trên thế giới cũng đều vào cuộc để tư vấn cho các doanh nghiệp", ông Linh nhấn mạnh.
Hiện nay đã có một số các tập đoàn nước ngoài như: Walmart, Uniqlo đã vào để thu mua các sản phẩm dệt may của Việt Nam và phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng chuỗi cung ứng của họ tại khu vực Đông Nam Á. Vì vậy thông qua các sự kiện kết nối, các thông tin cập nhật của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài mong sẽ được cập nhật, định hướng cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường và chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp.
Nhận xét về mức độ tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh cho rằng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tối đa hệ thống phân phối nước ngoài, do có những khó khăn nhất định trong năng lực cung ứng. Do đó, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn cung ứng hiệu quả cho các tập đoàn phân phối bán lẻ lớn thì cần liên kết với nhau. Đây cũng là lời khuyên của các nhà phân phối bán lẻ quốc tế, cần liên kết với nhau để cùng sản xuất ra sản phẩm, tiếp theo là liên kết với nhau để mỗi một doanh nghiệp là một “mắt xích” trong tổng thể chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển đổi để tham gia vào chuỗi cung ứng nước ngoài, chúng tôi cũng nhận thấy, việc các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tài chính là một vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, sẽ có sự tham gia của các tổ chức tài chính, những ngân hàng lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nâng cấp máy móc thiết bị, máy móc, nhà xưởng và đổi mới về khoa học công nghệ. Từ đó doanh nghiệp có thể tham gia một cách tổng thể và hiệu quả vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Hương Anh (t/h)