Doanh nghiệp muốn giá xăng dầu giảm thêm
Việc mạnh tay trích lập quỹ bình ổn lên tới gần 1.000 đồng/lít khiến giá xăng dầu không thể giảm thêm ở mức trên 4.000 đồng/lít trong kỳ đầu tiên áp dụng việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường ngày 11-7.
Hôm qua 11-7, giá xăng dầu trong nước đã giảm lần thứ 5, là mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm nay. với việc giảm trên 3.000 đồng/lít với các loại xăng và dầu diesel, các mặt hàng khác giảm 2.000 đồng/lít, giá xăng dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Với việc giảm giá như trên, giá xăng trong nước đã về dưới mức 30.000 đồng/lít, tương đương với giá giữa tháng 3.
Mức giảm không như kỳ vọng
Đây vẫn được xem là mức giảm không như kỳ vọng bởi theo tính toán, giá xăng có thể giảm được 4.500 - 5.000 đồng/lít; trong khi giá dầu có thể giảm ít nhất 4.000 đồng/lít (đã bao gồm trừ thuế tiêu thụ đặc biệt và không thực hiện trích lập quỹ bình ổn).
Chẳng hạn nếu không chi sử dụng cũng như không thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá, giá sẽ có dư địa giảm thêm khoảng 1.000 đồng/lít với xăng và 500 - 800 đồng/lít với dầu. Cơ quan điều hành phải can thiệp vào giá xăng dầu để tạo nguồn cho quỹ bình ổn là do số dư của quỹ này còn rất thấp.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tính đến ngày 31-5, số dư quỹ là 580,382 tỉ đồng và ước tính đến ngày 30-6, số dư quỹ còn khoảng 223,505 tỉ đồng. Cơ quan điều hành cho rằng đây là số dư quá thấp để duy trì quỹ bình ổn, nên ngay khi giá giảm thì việc trích lập vào quỹ được thực hiện để tạo nguồn cho quỹ hoạt động sau này khi giá có biến động tăng.
Bộ Công thương cho biết nhờ việc áp dụng linh hoạt quỹ bình ổn đã giúp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Bộ dẫn chứng từ giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới giao dịch trên thị trường Singapore để tính giá cơ sở vào đầu tháng 7 so với đầu năm 2022 biến động tăng 34,0 - 84,5%, trong khi giá trong nước chỉ tăng từ 20,5 - 65,4%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-7, đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) cho biết mức giảm giá xăng dầu chưa đủ nhiều để tác động đến giá bán sản phẩm, nhưng có thể kìm được phần nào đà tăng giá đầu vào diễn ra liên tục thời gian qua.
Doanh nghiệp mong chờ cơ hội
Đại diện một đơn vị kinh doanh thủy hải sản tại TP.HCM cho biết có thể xem xét giảm khoảng 5-7% giá bán sản phẩm của mình trong thời gian tới nếu giá đầu vào giảm nhờ tác động mức giảm 3.000 đồng/lít của giá xăng dầu.
Theo doanh nghiệp này, đơn vị sản xuất thường ở cuối trong chuỗi nên giá xăng chỉ tác động gián tiếp. Tuy nhiên doanh nghiệp này kỳ vọng 15-30 ngày tới sẽ có sự thay đổi đối với giá đầu vào khi giá xăng dầu giảm.
Là đơn vị chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, ông Đặng Hồng Thạch - giám đốc Công ty Khải Thành (TP.HCM) - cho biết giá xăng dầu giảm sẽ tác động tích cực lên nhiều khâu đầu vào như thu mua, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm nên giúp doanh nghiệp "dễ thở" hơn trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tăng liên tục thời gian qua.
"Thường hợp đồng ký kết từ 6 tháng đến 1 năm, nên khi giá đầu vào ổn định thì giá suất ăn công nghiệp trong thời gian dài sẽ được đàm phán ở mức tốt, giúp đôi bên ổn định sản xuất", ông Thạch nhận định.
Nhiều siêu thị tại TP.HCM cho biết đã có trao đổi với các đơn vị vận tải về vấn đề điều chỉnh giảm giá cước theo giá xăng dầu giảm. Ngoài ra đang xem xét để đề nghị nhiều nhà cung cấp đưa ra giá bán sản phẩm tốt hơn sau khi liên tục đề xuất tăng giá. Tuy nhiên, sự thay đổi khả năng vẫn không nhiều.
"Các đối tác cho rằng mức giảm xăng dầu trên chưa đủ lớn để thay đổi khung giá, để có sự thay đổi rõ rệt giá hàng hóa thì xăng dầu cần giảm thêm 2.000 - 3.000 đồng/lít", đại diện một siêu thị thông tin.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng khẳng định tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng khi xăng dầu giảm được 3.000 đồng/lít. Có doanh nghiệp thực hiện giảm cước vận tải ngay nhưng cũng có doanh nghiệp chờ một thời gian để nghe ngóng.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hiện giá xăng dầu tăng giảm theo chu kỳ 10 ngày, nên doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất khó điều chỉnh cơ cấu chi phí ngay được. Các doanh nghiệp kỳ vọng các biện pháp kìm giá xăng dầu sẽ là cú hích cho thị trường bớt căng thẳng về giá cước, tăng giá hàng hóa đầu vào, phục hồi kinh tế rõ nét hơn.
Ông Trần Văn Thành - tổng giám đốc Công ty vận chuyển Á Châu (trụ sở Q.12, TP.HCM) - cho hay tùy hợp đồng với khách hàng, doanh nghiệp này điều chỉnh giá cước ngay lập tức theo xu hướng giảm của giá xăng dầu, với hợp đồng cũ thì giảm ngay, với hợp đồng mới thì "chờ nghe ngóng" bởi cần có "độ trễ" điều chỉnh giá. Đây là doanh nghiệp vận tải hàng tuyến Bắc - Nam chiếm thị phần lớn tại phía Nam.
"Nói chung với mức giảm giá xăng dầu hiện nay mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được 400-500 triệu. Trong thời gian qua, mức tăng giá xăng dầu đã vọt lên 60-70%, xu hướng giảm hiện nay là tín hiệu tốt, song vẫn cần thời gian theo dõi thêm" - ông Thành bình luận.
Các doanh nghiệp taxi cho rằng chu kỳ giá xăng điều chỉnh 10 ngày/lần, mức giảm 3.000 đồng/lít ngày 11-7 nhờ phần lớn ở biện pháp giảm thuế phí. Nếu chu kỳ tiếp theo giá xăng dầu thế giới tăng, giá xăng dầu trong nước "đảo chiều" trở lại nên rất khó giảm giá cước ngay lập tức.
Nguồn cung sẽ đảm bảo
Về nguồn cung, Bộ Công thương cho rằng dự kiến trong 6 tháng cuối năm nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước có thể đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu bình quân cho thị trường.
Bộ Công thương cho hay trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, kết hợp với chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối chủ động nguồn hàng, thực hiện nhập khẩu theo hạn ngạch được phân giao để bù đắp nguồn thiếu hụt, đảm bảo không gián đoạn nguồn cung.