Doanh nghiệp logistics kỳ vọng gì trong năm 2022?

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 16:24:42

Với nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, nhóm doanh nghiệp ngành logistics khá tự tin khi đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 phần lớn tăng trưởng.

Doanh nghiệp logistics kỳ vọng gì trong năm 2022?

Thị trường vận tải năm 2022 được dự báo vẫn diễn biến khó lường do dịch bệnh COVID-19 luôn có nguy cơ bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn tại một số khu vực trên thế giới và việc giá dầu leo thang trong thời gian gần đây đã, đang và sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế thế giới, từ đó tác động tiêu cực lên thị trường vận tải.

Tuy nhiên, việc phục hồi nhanh chóng chuỗi cung ứng sau thời gian gián đoạn bởi dịch bệnh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, tăng sản lượng thông quan; tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp ngành logistics.

Trong 15 doanh nghiệp logistics trên sàn đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh 2022, có 9 doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng và 6 doanh nghiệp đặt kế hoạch thận trọng.

Triển vọng sôi động


Doanh nghiệp duy nhất đặt kế hoạch lợi nhuận tăng bằng lần là Vận tải Xăng dầu Vipco ( HOSE : VIP ). Đơn vị này dự kiến thu về 32 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 3 lần so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu lại giảm 22%, xuống chỉ còn 756 tỷ đồng.


VIP cho biết Công ty sẽ bán thanh lý tàu Petrolimex 10, đẩy nhanh đầu tư tàu để đổi mới phương tiện, trẻ hóa và duy trì năng lực đội tàu; phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty vận tải thủy Petrolimex và các bên liên quan tổ chức khai thác đội tàu hiệu quả…

Nhóm doanh nghiệp logistics đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022 tăng trưởng (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance (*) Tổng doanh thu, (**) Lãi trước thuế


Tương tự, Gemadept ( HOSE : GMD ) dự kiến đem về 1,000 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2022 (tăng 24%) và đây cũng là con số cao nhất so với các đơn vị cùng ngành.

Tình hình kinh doanh của GMD qua các năm và kế hoạch năm 2022 (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance (*) Tổng doanh thu


Vận tải và Xếp dỡ Hải An ( HOSE : HAH ) cũng kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ở mức kỷ lục, lần lượt là gần 2,388 tỷ đồng và 550 tỷ đồng, tăng hơn 22% và 23%. Ngoài ra, Công ty lên kế hoạch tổng sản lượng khai thác trong năm 2022 là 948,000 TEU, trong đó khai thác cảng là 411,000 TEU; khai thác tàu là 395,000 TEU; sản lượng Depot là 142,000 TEU.

Kế hoạch trầm lắng


Dẫn đầu nhóm thận trọng với kế hoạch 2022 là CTCP Vinafreight ( HNX : VNF ). Công ty cho biết, trong năm 2021, tuy dịch bệnh bùng phát nhưng do giá cước hàng không tăng cao và sản lượng của hãng hàng không Etihad Airway (do Vector làm GSA (Tổng đại lý khai thác hàng hóa)) lớn dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty tăng đột biến. Tuy nhiên, trong năm 2022, hãng Etihad Airways không còn duy trì hợp đồng với Vector.


Với những tác động đó, doanh nghiệp logistics này lên kế hoạch doanh thu đạt 1,850 tỷ đồng (giảm 62%), lỗ 40 tỷ đồng từ công ty liên kết và lãi trước thuế 10 tỷ đồng (giảm 92% so với năm trước). Đây cũng là kế hoạch lợi nhuận trước thuế thấp nhất trong một thập niên trở lại đây của VNF .

Nhóm doanh nghiệp logistics đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022 giảm (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance (*) Tổng doanh thu, (**) Lãi trước thuế


Hay như Vận tải Xăng dầu Vitaco ( HOSE : VTO ) chỉ kỳ vọng lãi sau thuế vỏn vẹn gần 19 tỷ đồng trong khi năm trước lãi hơn 129 tỷ đồng. Đây cũng là kế hoạch thấp nhất từ khi doanh nghiệp niêm yết (09/10/2007) đến nay.


VTO cho biết lượng hàng hóa dự kiến có xu hướng chỉ tăng nhẹ so với năm 2021 do sản xuất kinh doanh trong nước phục hồi sau đại dịch và vì có sự cạnh tranh lớn từ các đầu mối xăng dầu trong nước. Nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN. Nguồn hàng nội địa từ nhà máy lọc dầu Dung quất và Nghi Sơn, tuy nhiên nhà máy Nghi Sơn đã cắt giảm sản lượng sản xuất đáng kể từ những tháng đầu năm 2022. Với tình hình này, tuyến đường vận chuyển hàng hóa của Công ty sẽ có nhiều thay đổi.


Về phía Tổng CTCP Vận tải Dầu khí ( HOSE : PVT ), Công ty dự kiến lãi trước thuế 2022 giảm 43%, xuống còn 600 tỷ đồng.


Đây không phải lần đầu PVT đặt kế hoạch đi lùi. Quay lại các năm trước đó, đã nhiều lần PVT đặt kế hoạch giảm so với năm trước nhưng hoạt động kinh doanh thực tế luôn vượt xa chỉ tiêu đã đề ra.

Kế hoạch và thực hiện lãi trước thuế của PVT qua các năm (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance


Mặc dù Dịch vụ Vận tải và Thương mại ( HNX : TJC ) kỳ vọng doanh thu tăng nhẹ nhưng lãi trước thuế lại giảm 13% so với năm trước. TJC cho biết tình hình bất ổn ở Trung Đông, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu leo thang, làm tăng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải. Ngoài ra, đội tàu của hãng có tuổi bình quân cao, dù được bảo dưỡng thường xuyên nhưng vẫn tiềm ẩn những sự cố hỏng hóc làm mất ngày tàu, phát sinh thêm chi phí. Một vấn đề nữa là điều kiện thời tiết bất thường sẽ ảnh hưởng đến hành trình tàu, kéo dài thời gian xếp, dỡ hàng tại cảng…


Đại lý Vận tải SAFI ( HOSE : SFI ) cũng đặt mục tiêu doanh thu và lãi ròng đi lùi, xuống còn 1,800 tỷ đồng (giảm 3%) và 150 tỷ đồng (giảm 13%).

Theo dự báo của SSI Research , giá cước vận chuyển container giao ngay dự kiến sẽ giảm dần trên thị trường quốc tế khi tình trạng tắc nghẽn giảm bớt (nhiều khả năng sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2022), giá cước vận tải nội địa dự kiến sẽ tăng lên đáng kể và tăng trưởng sản lượng cảng có thể cải thiện từ mức thấp trong năm 2021.

Bên cạnh đó, đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực nếu được thông qua. Việc tăng dần giá dịch vụ cảng biển để tiến tới ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN là mục tiêu chiến lược của các cảng biển Việt Nam. Việc tăng giá 10% có thể sẽ được thực hiện trong năm 2022 nếu tình hình dịch COVID-19 được cải thiện. Tuy nhiên, tác động thực tế có thể khác nhau đối với từng khu vực cảng. Các khu vực có mức độ cạnh tranh cao như Hải Phòng có thể khó nhìn thấy tác động lớn trong khi các cảng ở khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn như Cái Mép sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

SSI Research nhận thấy các công ty vận tải container có tiềm năng tăng lợi nhuận đáng kể do giá cho thuê tàu và giá cước vận tải nội địa cao. Mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty cảng có thể khác nhau, với tiềm năng tăng trưởng cao hơn cho các cảng biển nước sâu còn dư công suất.

Còn theo Báo cáo chiến lược thị trường tháng 4/2022, Mirae Asset dự báo động lực tăng trưởng chính của ngành cảng biển đến từ 4 yếu tố chính là thu hút FDI tiếp tục tăng trưởng, hoạt động sản xuất cải thiện, vận tải thủy phục hồi và tình hình kinh tế các thị trường ở Việt Nam phục hồi.

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp logistics trong năm 2022?

Tiên Tiên

Chia sẻ Facebook