Doanh nghiệp lao đao, ngân hàng lãi 'khủng' ?

Chia sẻ Facebook
11/06/2022 00:05:23

Sáng 9/6, tiếp tục chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề, trong 2 năm qua, khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn vì đại dịch thì có ý kiến cho rằng, mức độ chia sẻ của ngân hàng chưa tương xứng.

"Kinh tế đất nước trong 2 năm qua tăng trưởng thấp kỷ lục, rất nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường, người dân gặp vô vàn khó khăn, lao đao vì dịch bệnh; nhiều khoản nợ ngân hàng không trả được, nợ tăng trở lại nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận cao, chia lãi khủng", ông Lâm nói và đề nghị Thống đốc chia sẻ về vấn đề này.

Trước câu hỏi trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, khi dịch COVID-19 xảy ra, các tổ chức tín dụng đã miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, người dân. Tổng số miễn giảm là 48.000 tỷ đồng, đây cũng là sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng. Theo bà, các nhà băng được thành lập có mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng có quy mô vốn và tài sản rất lớn. Cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng; đến tháng 3/2022 lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng, tín dụng 12 triệu tỷ đồng. Tài sản của một tổ chức tín dụng như một ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. "Lợi nhuận là mười mấy nghìn hay hai mươi nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó không phải là lớn. Tỷ lệ sinh lời trên vốn của một số tổ chức tín dụng so với các doanh nghiệp ở các ngành khác không cao", bà Hồng khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng lãi lớn, trong khi Thống đốc NHNN khẳng định mức lãi không cao

Giải đáp thêm những vấn đề được đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, với tín dụng bất động sản, các dự án có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Tuy nhiên, ông lưu ý cần kiểm tra lại việc cho vay trong thời gian vừa qua có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy định hay không. "Nếu làm chưa đúng thì phải điều chỉnh lại cho đúng. Nếu làm đúng rồi thì tiếp tục thực hiện, chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực này", Phó Thủ tướng nói.

Đối với việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng cho biết, đến nay, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.


Theo Văn Kiên

Tiền Phong

Chia sẻ Facebook