Doanh nghiệp không nhập xăng dầu vì thua lỗ: cần rà soát lại thuế, các chi phí trong cơ cấu giá?

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 09:01:59

UBND TPHCM cho rằng có tình trạng thương nhân phân phối xăng dầu không nhập hàng để kinh doanh vì thua lỗ, nên có thời điểm thiếu nguồn cung cho hệ thống bán lẻ xăng dầu.

Doanh nghiệp không nhập xăng dầu vì thua lỗ: cần rà soát lại thuế, các chi phí trong cơ cấu giá?

Nhiều người dân đổ xăng vào sáng ngày 10-10. Ảnh: Vũ Lê

Theo báo cáo từ Sở Công Thương TPHCM, 58 cửa hàng bán lẻ tạm hết xăng hiện nay là đúng thực tế, không có hiện tượng ghim hàng do kinh doanh thua lỗ hoặc ghim hàng trước kỳ điều chỉnh giá, được dự báo giá sẽ tăng, vào ngày mai 11-10.

Nhiều cây xăng sáng nay có lượng đông người dân đi đổ xăng, dẫn đến hiện tượng phải xếp hàng 15-20 phút mới có thể đổ được xăng. Một số cây xăng vẫn còn bán giới hạn 30.000 -50.000 đồng/xe máy.

Theo báo cáo ngày 10-10 của Sở Công thương TPHCM, đến ngày hôm nay có 58 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố tạm hết xăng, nhưng vẫn mở cửa bán dầu bình thường.

Và có hiện tượng một số cửa hàng chỉ bán cho người dân với mức 30.000 – 50.000 đồng/xe máy hoặc duy trì 1-2 trạm bơm do không có hàng để bán.

Trao đổi với báo chí chiều nay, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương, khẳng định rằng tất cả 58 cửa hàng nói trên (gồm cả 3 cửa hàng xin tạm ngưng hoạt động) khi cơ quan quản lý kiểm tra là không còn xăng để bán, không có hiện tượng ghim hàng do kinh doanh thua lỗ.

Liên quan đến việc liệu có hay không tình trạng găm hàng trước kỳ điều chỉnh dự báo tăng, ông Phương khẳng định, các cửa hàng xăng dầu TPHCM được sở theo dõi rất sát nên không có tình trạng này xảy ra. Đối với những cửa hàng còn xăng mà bán nhỏ giọt, găm hàng không bán cho khách sẽ được xử lý rất nghiêm.

Tình hình kinh doanh của Petrolimex ở TPHCM trung bình mỗi ngày bán 1.400m3, trong ngày 9-10 đã tăng lên 1.900m3. Dự kiến ngày 10-10 sẽ bán hơn 2.000m3.

Trước đó vào đêm 9-10, Petrolimex đã huy động 80 xe bồn với tổng 1.600m3 trung bình mỗi xe 20m3, vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho tất cả hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình để tăng cường nguồn cung bù đắp cho các cửa hàng lân cận đóng cửa hoặc bị gián đoạn nguồn cung cục bộ.

Theo Sở Công Thương, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã tạm ngưng hoạt động hoặc kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp thời vì xe vận chuyển xăng, dầu không được đi vào giờ cao điểm.

“Trong tình trạng một số cửa hàng tạm ngưng bán xăng, người dân sẽ đổ xô vào mua, cửa hàng hoạt động bình thường cũng sẽ gặp khó khăn trong những lúc cao điểm. Hiện số lượng cửa hàng hết xăng còn dầu chiếm hơn 10% trong tổng số 550 cửa hàng trên địa bàn, vì vậy còn 90% cửa hàng đang hoạt động bình thường, người dân có thể yên tâm mua hàng”, ông Phương nói.

Sở Công Thương cũng đã kiến nghị Công an TPHCM và Sở Giao thông – Vận tải TPHCM tạm thời cấp phép cho xe chở xăng, dầu được đi vào giờ cao điểm từ 9 giờ đến 16 giờ và từ 18 giờ đến 22 giờ để giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu hiện nay.

Cũng ngày hôm nay, UBND TPHCM đã có văn bản số 3680/UBND-KT gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố và đề xuất giải pháp tháo gỡ để đảm bảo cung ứng đủ xăng, dầu phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Theo nội dung văn bản này, UBND thành phố cho rằng do tình hình khó khăn chung, hiện nay, có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì thua lỗ, nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối. Ngoài ra, có một số lý do khách quan như ảnh hưởng của bão khiến quá trình vận chuyển xăng dầu bị gián đoạn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, chưa đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, thường xuyên, liên tục cho yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.


Một lý do nữa là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh đã phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường thành phố. Bởi vì thời điểm trước mức dự trữ bình quân của doanh nghiệp này khoảng 100.000 đến 120.000 m3 /tháng, sản lượng bán bình quân khoảng 1.160 m3 /ngày, tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đã ngưng nhập khẩu xăng dầu.

Mặt khác, hiện nay, giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.

Từ thực trạng khó khăn hiện nay để không bị gián đoạn nguồn cung, cung ứng đầy đủ kịp thời xăng dầu đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của người dân, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu giá của mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.

Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.

UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét đề nghị Bộ Tài chính Ngân hàng Nhà nước các cơ quan có liên quan, quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong đó, cần xem xét hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Qua ghi nhận thực tế vào ngày 10-10, tại nhiều cây xăng ở TPHCM lượng người đến đổ xăng khá đông, nên phải xếp hàng chờ. Nguyên nhân một phần khoảng 10% lượng cây xăng đang tạm hết xăng do chưa kịp nhập về, một phần có thể do người tiêu dùng biết trước ngày mai giá xăng dầu điều chỉnh tăng nên lo đổ trước.

Lê Hoàng


TBKTSG

Chia sẻ Facebook