Doanh nghiệp khổ vì cước vận chuyển 'ăn hết lời'

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 11:50:48

Nhiều doanh nghiệp than khó vì cước phí vận chuyển cùng chi phí đầu vào tăng cao "ăn hết lời", giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Vật tư nông nghiệp và chi phí vận chuyển tăng cao đang “ăn hết” lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu chuối - Ảnh: SƠN LÂM


Ông Phạm Hoàng Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), cho biết hoạt động trong lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu gần 30 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến giá chi phí đầu vào, nhất là cước vận chuyển, tăng chóng mặt như thời gian qua.

Từ năm 2020 đến hết năm 2021, giá vận chuyển container từ các cảng Việt Nam sang Mỹ, châu Âu, Nhật... tăng gấp nhiều lần khiến các doanh nghiệp mệt mỏi. Hiện tại, do ảnh hưởng chiến sự Ukraine - Nga, chi phí vận chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu ra thế giới tiếp tục leo thang.

"Điều này gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Làm ăn bây giờ khó quá, tính toán và điều tiết không kỹ lỗ như chơi. Nếu chi phí vận tải cứ tăng cao thì sẽ không còn đủ sức cạnh tranh với quốc tế", ông Việt cho biết.

Ông Võ Quan Huy, chủ tịch Công ty TNHH Huy Long An (Long An), cho rằng giá cước vận tải cao kỷ lục cùng với giá phân bón tăng nóng như là cú "đấm bồi" đối với xuất khẩu nông sản.

"1kg chuối xuất khẩu với giá 17.000 đồng, trong đó phí đóng gói và bao bì khoảng 4.000 đồng, còn lại 13.000 đồng. Trước đây, cước vận chuyển chừng 4.000 - 5.000 đồng thì nay lên đến 8.000 đồng. Như vậy, chúng tôi chỉ còn 5.000 đồng cho 1kg chuối. Với giá phân bón tăng chóng mặt, việc sản xuất ra trái chuối đủ chuẩn xuất khẩu với giá 5.000 đồng gần như là không thể", ông Huy phân tích.


Theo ông Huy, để "cứu" người nông dân và việc xuất khẩu nông sản hiện nay, Chính phủ cần có phương án can thiệp, quản lý để không còn tình trạng cước vận tải đường thủy, đường biển mặc sức tăng "bát nháo" như hiện nay.

"Chúng tôi nghĩ nếu Chính phủ quyết liệt thì có thể kìm hãm được giá cước vận chuyển. Ít nhất là không có chuyện để giá cước hoàn toàn do các hãng vận chuyển tự quyết định", ông Huy kiến nghị.

Việc giá xăng dầu liên tục tăng "nóng" trong tháng 2 và 3-2022 khiến các doanh nghiệp vận tải như "ngồi trên đống lửa" vì vẫn chưa thể phục hồi sản xuất như giai đoạn trước khi đại dịch, trong khi đó chi phí đầu vào lại tăng quá cao.

Chia sẻ Facebook