Doanh nghiệp "khát" vốn, trông nới thêm hạn mức tín dụng
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng để giải tỏa bớt áp lực khát vốn, các cơ quan quản lý cần xem xét các giải pháp nhằm tạo vốn “đa kênh”.
Thị trường khó khăn tổng thể
Tăng trưởng kinh tế trong quý III/2022 đã ghi nhận kết quả hết sức tích cực hơn 8%. Tuy nhiên, giới chuyên môn lưu ý đó vừa là tín hiệu của nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ, với các chính sách điều hành kết hợp tài khóa-tiền tệ linh hoạt, vững vàng của Chính phủ; song, mặt khác đó cũng là mức tăng dựa trên so sánh với nền cực thấp của cùng kỳ năm trước.
Do đó, tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, lạm phát tăng cao tác động đến các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam và dòng vốn, tỷ giá, sẽ có càng nhiều thách thức, và để đưa nền kinh tế thực sự đạt toàn dụng, đòi hỏi sự huy động nội lực, nguồn lực phù hợp đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, tăng trưởng tín dụng đến 23/10 đạt 11,5% - là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, tín dụng tăng cao, tỷ lệ dư nợ/GDP của Việt Nam ở mức cao, nhưng nền kinh tế vẫn có dấu hiệu giảm cung tiền rõ rệt.
Trả lời cho câu hỏi “tiền đã đi đâu”, rất cần lưu ý lý giải của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trong báo cáo gửi Quốc hội: Trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn chậm so với yêu cầu dẫn tới tồn ngân ngân quỹ Nhà nước (là các khoản NSNN thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu...) hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Cung về vốn bị đọng tại NSNN, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.
Cầu vốn cao trong khi tín dụng tăng về con số nhưng lại chưa đáp ứng đủ, lại đặt trong bối cảnh các kênh vốn đảo ngược khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng khát vốn "toàn tập". Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 cũng đã phát biểu ý kiến cho rằng “Trên thực tế, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn, nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng”.
Đối với thị trường nợ, thống kê của VBMA cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã sụt giảm thê thảm. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 giảm 50,5% so với quý trước, chỉ đạt 60.635 tỷ đồng.
Đáng chú ý là trong tháng 10 vừa qua, thị trường gần như "đóng băng" khi không có bất kỳ doanh nghiệp nào phát hành mới. Trong khi đó lại xuất hiện tình trạng người dân xếp hạng yêu cầu tất toán trái phiếu trước hạn, cũng như có tình trạng rút tiền quỹ đầu tư trái phiếu.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng có nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn.
Thứ nhất là chính sách tín dụng ưu tiên phục vụ kiểm soát lạm phát, giữ giá trị tiền đồng và an toàn của hệ thống ngân hàng nên đã buộc phải tăng lãi suất . Lãi suất cho vay trên 10% thì khó có doanh nghiệp nào có thể làm ăn có lãi để vay nên chắc hẳn rất nhiều doanh nghiệp không thể vay để đầu tư mới.
Thứ hai là ngay cả với doanh nghiệp có dòng tài chính tốt, tiềm năng tốt cũng bị hạn chế không thể mở rộng thị trường, không đầu tư được như kỳ vọng.
Thứ ba là với riêng gói hỗ trợ lãi suất 2% thì triển khai còn khá chậm, nhiều doanh nghiệp dè dặt hoặc không đạt tiêu chuẩn vay.
"Trên tổng thể, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn và cần những quyết sách nhanh, mạnh để ổn định thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp", chuyên gia nói.
Giải pháp vốn trước mắt và dài hạn
Xem xét “đa kênh” để tạo nguồn lực hỗ trợ, giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp là bài toán đang được đặt ra.
Tuy vậy, một chuyên gia cho rằng ngay lúc này, khó có thể nói đến chuyện doanh nghiệp phải chủ động kịch bản dự phòng tài chính để ứng phó với các rủi ro, bởi 2 năm đại dịch đã khiến hầu hết doanh nghiệp hao mòn sức lực, của để dành. Khó khăn của thị trường trong năm đầu hồi phục đại dịch càng khiến doanh nghiệp thêm kiệt lực. Tất nhiên, với xu hướng lạm phát vẫn rất áp lực và có nhiều cơ sở để nói rằng sẽ "chuyển" áp lực đã dồn nén sang 2023, các chính sách tài khóa và tiền tệ theo định hướng điều hành hiện đang rất cẩn trọng, rất cần thiết cẩn trọng. Do đó, cũng khó có kỳ vọng NHNN sẽ uyển chuyển xem xét nới "room" tín dụng thêm ngoài kịch bản "cứng" 14%.
"Ngay cả như vậy, để "bù" khoảng trống hụt vốn trong thời gian nhất định do khó khăn của thị trường vốn một cách có kiểm soát, đảm bảo các doanh nghiệp để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, chờ được đến điểm phục hồi của thị trường vốn; Đây cũng là mùa cao điểm mà doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chuẩn bị hàng hóa cho mùa tiêu dùng lễ tết, theo đó sẽ càng có nhu cầu vốn tăng cao; NHNN vẫn còn dư địa trong hạn mức để nới room thêm", ông này đánh giá.
Nhìn chung trong tổng thể của nền kinh tế, không xét riêng khối bất động sản, những doanh nghiệp thuộc nhóm tiếp cận được tín dụng, chịu đựng được lãi suất, thực tế cũng đang bị "trói" bởi hạn mức của chính doanh nghiệp. "Ngân hàng cấp cho từng đó hạn mức, sử dụng hết, trong 3 -6 tháng quay vòng mà tiền không về thì không được vay mới, do đó, thời gian ngắn chỉ gần như cấp tập dùng hạn mức được vay-lên đơn hàng- chờ thanh toán công nợ rồi mới vay mới"... khiến doanh nghiệp quá mức khó khăn dù chỉ là vay ngắn hạn, bổ sung lưu động", một doanh nghiệp chia sẻ.
Báo cáo cập nhật về trái phiếu của CTCK BVSC mới đây cũng cho rằng, nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022, sẽ vẫn còn khoảng 2,5% hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho các ngân hàng thương mại trong hai tháng còn lại của năm 2022.
Như mọi năm, theo tính toán của TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tăng trưởng tín dụng của tháng cuối năm sẽ gấp 2 lần so với các tháng trước. Vì vậy nới room tín dụng đúng thời điểm sẽ phù hợp theo quy luật, vận động chung của thị trường và nhu cầu dòng vốn trong nền kinh tế, tăng hiệu quả hấp thụ của từng đồng vốn.
Về phía thị trường vốn, các chuyên gia cho rằng cần sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ để ổn định lại thị trường, giúp doanh nghiệp có cơ hội quay trở lại huy động trên thị trường này và để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm đảm đương được trách trọng là kênh vốn trung dài hạn của nền kinh tế, với quy mô tương đương các nước trong khu vực, tiến đến đạt 25%GDP vào năm 2025 như định hướng của Chính phủ.
Mục tiêu 3 năm và dài hạn là như vậy, còn giải pháp trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư còn bất an, cần ngay những giải pháp tạo niềm tin và sự an tâm, hồi sinh lại thị trường.
Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội đã nêu một số đề xuất để "tháo nghẽn" kênh trái phiếu như:
Đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định;
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.
Để đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” có thể tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đề nghị quy định cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định...
Dù các đề nghị có thể đang "đi ngoài" các quy định của Nghị định 65/2022, nhưng với bức tranh các doanh nghiệp bất động sản đều đang vô cùng bế tắc, khó khăn tứ phía từ vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp (doanh nghiệp bất động sản phát hành khoảng 37-40% khối lượng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp những năm qua), người vay không được vay và cũng chịu được lãi vay mua nhà dẫn đến nguồn thu từ dự án đứt gãy, cạn doanh thu, cổ phiếu suy giảm và vốn chủ sở hữu hao mòn nên cũng khó phát hành huy động vốn hiệu quả, tỷ giá gia tăng khiến nếu vay nợ nước ngoài sẽ trở thành áp lực (mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay khối ngoại).... Tương tự, nhiều doanh nghiệp "đi cùng" bất động sản và mở rộng ra nhiều đơn vị khác ngành trong nền kinh tế cũng đang "điêu đứng" bởi cạn thanh khoản, thì các đề nghị nêu trên theo một số chuyên gia, đáng được nghiên cứu, mổ xẻ.