Doanh nghiệp khát vốn
Dưới sức ép của các biện pháp kiểm soát tín dụng thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp càng phải tự xoay xở nhiều hơn trong bối cảnh các ngân hàng đã cạn room tín dụng.
Doanh nghiệp khát vốn
Thời gian gần đây, dù đã tiếp cận nhiều ngân hàng nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings vẫn không thể tìm kiếm được nguồn vay mới, đồng thời cũng không được thông báo có gia hạn hợp đồng vay trước đó hay không.
Điều đáng nói, theo ông Kỳ nhiều ngân hàng không nói đã hết "room", nhưng yêu cầu doanh nghiệp chờ đợi. Trong khi đó, với doanh nghiệp du lịch này, nhu cầu vốn trong các tháng cuối năm luôn lớn để có thể đặt sớm các gói dịch vụ như lưu trú, ăn uống, hàng không...
Thực tế, khi tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm đang khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng cạn ''room'' tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước tạm cấp hồi đầu năm. Điều này khiến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp trở nên khó khăn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 tăng mạnh.
Sản xuất, dịch vụ gặp khó
Thông thường, các khoản thanh toán của doanh nghiệp cần được huy động trả trước khi thực sự nhận nguồn thu từ khách hàng. Trong khi đó, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn dĩ việc vay vốn từ ngân hàng đã luôn là một thách thức lớn bởi họ thiếu tài sản thế chấp.
Một chuỗi nhà hàng ở TP.HCM cũng buộc phải kéo dãn công nợ với các đối tác cung ứng nguyên liệu thực phẩm, đối diện nguy cơ bị từ chối đơn hàng nếu tiếp tục thanh toán chậm trễ trong vòng 1-2 tháng tới.
Còn chủ một nhà máy sản xuất hàng nội thất buộc phải vay mượn thêm từ bạn bè và người thân để trả tiền cho các bạn hàng và lương nhân viên, trong khi chờ khoản vay ngân hàng được giải ngân. Nguy cơ nợ xấu giữa các doanh nghiệp đang là bài toán lớn đối với nhà điều hành chính sách.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết doanh nghiệp ông chủ yếu là các khoản vay lưu động ngắn hạn thay vì trung và dài hạn nên thời gian này không gặp khó khăn khi tiếp cận vốn từ ngân hàng.
"Tuy nhiên, nhiều đối tác khách hàng như hệ thống phân phối lại gặp khó khăn khi thanh toán với doanh nghiệp, cụ thể là chậm tiến độ. Một số công ty cho biết đang có tình trạng vay vốn từ ngân hàng nhưng tới thời gian đáo hạn thì không được giải ngân lại. Điều này khiến thời gian thanh toán tiền kéo dài từ 30 lên 45 ngày", lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ với Zing.
Theo ông Thiện, gần đây Ngân hàng Nhà nước có dấu hiệu siết lại chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách rút bớt tiền mặt trong lưu thông trong thị trường. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi với những doanh nghiệp có lịch sử tín dụng "hơi có vấn đề" khi đáo hạn sẽ bị hạn chế giải ngân.
Thấp thỏm chờ nới tín dụng
Tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức mới đây, Phó chủ tịch HUBA Nguyễn Phước Hưng cho rằng kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, doanh nghiệp cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, mở rộng nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất, đào tạo, tuyển dụng lại lao động mới... Tuy nhiên, ông thừa nhận việc tiếp cận nguồn vốn còn rất khó khăn.
"Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng nhanh trong thời gian qua đã đẩy tín dụng lên cao so với cùng kỳ những năm trước, trong khi nhiều ngân hàng đã đụng trần tín dụng, chỉ còn biết chờ được cấp thêm hạn mức. Ngoài ra, Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới mà ngân hàng không còn 'room' tín dụng thì làm sao giải ngân?", ông đặt vấn đề.
Lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới, do đó không cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ như nhiều quốc gia khác.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
Theo đó, ông Hưng kiến nghị ngân hàng thương mại cần có chính sách giúp doanh nghiệp vay vốn giúp tái đầu tư sản xuất, phục hồi phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, triển vọng nới tín dụng trong thời gian tới không mấy khả quan. Nhìn lại giai đoạn bất ổn vĩ mô trước đây, ông cho rằng thực tế sự tăng trưởng quá mức của tín dụng sẽ khiến nhà điều hành khó kiểm soát lạm phát.
"Hiện nay, lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới, do đó không cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ như nhiều quốc gia khác", ông nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, do ảnh hưởng của các biện pháp thắt chặt tiền tệ ở Mỹ, EU, kinh tế thế giới có khả năng suy thoái trong 1-2 năm tới, tác động không nhỏ đến Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần chuẩn bị dư địa chính sách để có thể hỗ trợ tăng trưởng trong năm sau.
"Rõ ràng, dù không ở trạng thái phải thắt chặt nhưng chúng ta vẫn cần thận trọng. Tôi cho rằng cơ quan quản lý sẽ kiên định với việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, chưa sẵn sàng nới 'room' tín dụng cho các ngân hàng. Có thể năm nay chúng ta sẽ chấp nhận mức tăng trưởng tín dụng vượt 14% nhưng sẽ không quá 15%", chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các ngân hàng thương mại ngày 4/8, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14% nhưng có điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.
Với mục tiêu điều hành như trên, tín dụng tăng ngay từ đầu năm và tăng cao hơn cùng kỳ 2021, 2020 (2 năm chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19), cũng như năm 2019 (là năm trước khi xảy ra dịch), đến ngày 25/7, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,42% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,64%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP.
Thanh Thương Lan Anh
Zing.vn