Doanh nghiệp hàng không "mừng ra mặt" vì phục hồi
Thị trường quốc tế được phục hồi đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hàng không có kết quả tích cực hơn trong quý đầu năm 2023.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 5, các cảng hàng không trên cả nước đón 9 triệu khách, tăng 3,2% so tháng 4.
Cũng trong tháng 5, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 4,46 triệu khách, tăng 3,3% so với tháng 4/2023, (bao gồm 1,2 triệu khách quốc tế và 3,26 triệu khách nội địa).
Tính chung 5 tháng, có tới 45,5 triệu khách qua các cảng hàng không, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 12 triệu khách quốc tế, tăng 679,6% so với cùng kỳ năm 2022 và 33,4 triệu khách nội địa, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm, các hãng hàng không vận chuyển 22,4 triệu khách, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, khách quốc tế đạt 5,7 triệu khách, tăng 5.525,1% so với cùng kỳ 2022. Khách nội địa đạt 16,7 triệu khách tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng hành khách tăng đột biến sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch Covid-19 đã khiến kết quả kinh doanh của các hãng hàng không được cải thiện mạnh mẽ.
Các hãng hàng không trở lại đường bay tăng trưởng
Trong quý I/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 23.494 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chiếm đến 80% là doanh thu từ hoạt động vận tải hàng không với 18.813 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất mà Vietnam Airlines đạt được trong 3 năm trở lại đây.
Giá vốn hàng bán có mức tăng thấp hơn với 21.535 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp tăng đến hơn 3.500 tỷ đồng, đạt 1.959 tỷ đồng (quý I/2022 lỗ gộp 1.594 tỷ đồng).
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng gấp hơn 3,5 lần, đạt 366 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là do lãi chênh lệch tỉ giá. Chi phí tài chính cũng tăng 1,5 lần, đạt 773 tỷ đồng, chủ yếu là do lãi tiền vay và lỗ chênh lệch tỉ giá.
Với sự hoạt động nhộn nhịp trở lại của thị trường, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng theo, lần lượt là 2,8 lần và 1,2 lần, với tổng là 1.528 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý I, Vietnam Airlines có gần 36 tỷ đồng thu nhập khác và gần 74 tỷ đồng chi phí khác là các khoản bị phạt.
Kết quả là, trong quý đầu tiên của năm 2023, Vietnam Airlines báo lãi trước thuế trên 19 tỷ đồng sau 12 quý lỗ liên tiếp. Dù vậy, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, lợi nhuận hãng hàng không này vẫn không thoát khỏi “điệp khúc lỗ” với mức lỗ 37 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với con số này, doanh nghiệp này đã giảm lỗ được đến 2.648 tỷ đồng so với cùng kỳ, đồng thời đây cũng là kết quả khả quan nhất kể từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.
“Đây là những kết quả bước đầu rất khả quan của Tổng Công ty trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh”, Vietnam Airlines cho biết đồng thời lý giải kết quả này là do việc khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch.
Tương tự Vietnam Airlines , Vietjet Air cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I năm 2023. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, doanh thu thuần của hãng bay này 12.898 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ 2022 (4.522 tỷ đồng). Mức doanh thu này gần như trở lại mức trước đại dịch và là mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây của hãng hàng không này.
Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách đóng vai trò chủ đạo với 10.655 tỷ đồng, bao gồm 3.118 tỷ đồng nội địa, 2.781 tỷ đồng quốc tế và 4.323 tỷ đồng hoạt động phụ trợ. Bên cạnh đó, hoạt động thu xếp, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ của của Vietjet tăng 77,6% lên 1.586 tỷ đồng.
Trong kỳ, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng tăng gấp 2,5 lần so với qúy I/2022 đạt mức 11.835 tỷ đồng đã khiến lãi gộp chỉ còn hơn 1.062 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, hãng bay này báo lãi 173 tỷ đồng, tuy giảm 29% so với cùng kỳ 2022 nhưng đã doanh nghiệp đảo chiều tăng trưởng do khoản lỗ 2.359 tỷ đồng được ghi nhận vào quý IV/2022. Với mức lãi này, Vietjet cũng đã hoàn thành 17% kế hoạch lợi nhuận của năm 2023.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt mức gần 69.277 tỷ đồng, tăng 1.240 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của hàng bay này đạt mức 15.149 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, trong đó có hơn 9.191 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Dịch vụ hàng không ăn nên làm ra
Không chỉ riêng các hãng bay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không khác cũng “ăn nên, làm ra” trông thấy nhờ phục hồi của thị trường. Trong quý I, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) có doanh thu thuần tăng gấp hơn 2,3 lần cùng kỳ, đạt 4.728 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất trong 3 năm qua (kể từ sau quý IV/2019).
Nguồn thu lớn nhất đến từ phục vụ hành khách đạt 2.257 tỷ đồng, dịch vụ hạ cất cánh là 613 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí khác, ACV báo lãi trước thuế đạt 2.030 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ; lãi sau thuế quý I/2023 đạt gần 1.636 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ.
Tương tự, trong quý đầu của năm, CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) ghi nhận doanh thu thuần gần 567 tỷ đồng và lãi gộp 288 tỷ đồng, đều tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức trên 50%.
Lãi ròng quý I của Sasco đạt trên 36 tỷ đồng, cao gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,76 tỷ đồng).
Theo lý giải của doanh nghiệp, mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận là do tình hình kinh doanh của công ty đã được khôi phục bình thường trở lại, trong khi cùng kỳ năm trước công ty bị ảnh hưởng do các đường bay quốc tế đã được nối chuyến nhưng tốc độ hồi phục diễn ra chậm, tần suất khai thác chưa cao.
Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cũng ghi nhận doanh thu thuần 329 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 97 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng lần lượt 95% và 88% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi ròng của doanh nghiệp này đạt 56 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp đôi so với cùng kỳ .