Doanh nghiệp gỗ “mắc kẹt” tại Mỹ

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 11:40:56

Cuộc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam vào thị trường Mỹ khiến một số doanh nghiệp gỗ như “ngồi trên đống lửa”.


Gỗ Việt bị điều tra tại Mỹ

Ngày 25/7/2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc, theo đó cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ nước này. Phán quyết chính thức sẽ được DOC đưa ra vào ngày 17/10/2022.

Được biết, Hoa Kỳ đang áp dụng thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98% đến 194,90% với sản phẩm này của Trung Quốc.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết đang phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương gửi bình luận về kết luận sơ bộ này đến DOC để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp liên quan về các quy định điều tra tiếp theo của DOC.

DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Cơ chế tự xác nhận này không áp dụng với các doanh nghiệp mà DOC đánh giá là không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của DOC trong quá trình điều tra.

Theo tính toán, số lượng doanh nghiệp được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) nhận định, sự kiện này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản lượng xuất khẩu chung của ngành gỗ.

Theo Tổng giám đốc TTF, hiện có 27 doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ của Việt Nam phải trả lời bảng câu hỏi điều tra từ DOC. Tùy quan điểm của DOC và kết quả nghiên cứu trả lời của 27 công ty này, DOC sẽ quyết định mở rộng cơ chế tự chứng nhận cho tất cả các công ty còn lại, hay chỉ với các công ty tham gia giải trình như đề xuất từ nguyên đơn (AKCA) gửi DOC.

Doanh nghiệp liên quan có quyền nộp bình luận bằng văn bản đối với kết luận sơ bộ của DOC và văn bản đề nghị tổ chức phiên điều trần đối với các nội dung bình luận phải được nộp lên DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết luận sơ bộ. Tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp còn khá lúng túng. Thủ tục giải thích phức tạp, một số doanh nghiệp thấy nản.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: “Thông tin Mỹ từ chối bản giải thích của một số doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp hoang mang như ngồi trên đống lửa. Nếu bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản”.

Vụ việc là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp ngành gỗ nói chung khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo Tổng giám đốc TTF, tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam có xuất khẩu mặt hàng được DOC đưa vào cân nhắc đánh thuế đều được xem là bên có liên quan (hàng nghìn doanh nghiệp - PV).

TTF may mắn không nằm trong danh sách 27 doanh nghiệp bị DOC yêu cầu giải trình trực tiếp nhưng sẽ chủ động tiếp cận vòng ngoài, chuẩn bị cung cấp thông tin, tranh thủ ủng hộ để dù diễn biến thế nào ở thời điểm kết luận cũng không vào danh sách bất lợi.

“Doanh nghiệp gỗ cần theo sát diễn biến vụ việc, tham gia các hoạt động bình luận, điều trần của Hiệp hội; chủ động thông qua các công ty luật để gửi ý kiến, trả lời câu hỏi và được tư vấn nhằm có được những bước đi ít rủi ro nhất. Đồng thời, qua vụ việc lần này, việc trang bị hệ thống quản trị nội bộ giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải trình nhanh chóng, chính xác trở nên vô cùng quan trọng. DOC điều tra rất kỹ từ các thành phần nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, nhà cung cấp, khách hàng, đợt xuất hàng… từ 2 - 3 năm trước. Năng lực giải trình nhanh, nhất quán sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc điều tra”, ông Hiếu nhấn mạnh.


Khó khăn bủa vây

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, “chưa bao giờ ngành gỗ lại gặp khó khăn như vậy”, nhiều doanh nghiệp hoạt động dưới 50% công suất, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Chưa bao giờ ngành gỗ lại gặp khó khăn như vậy, nhiều doanh nghiệp hoạt động dưới 50% công suất, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.


Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest

Năm ngoái, dù gặp nhiều khó khăn do các biện pháp phòng chống dịch, nhưng các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu vẫn duy trì được công suất tốt.

Còn năm nay, khi nền kinh tế trong nước trở lại trạng thái bình thường, các hoạt động sản xuất – kinh doanh được khôi phục thì doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lại đối mặt với sức cầu chậm lại tại các thị trường xuất khẩu quan trọng do lạm phát tăng phi mã. Và nay thì xuất khẩu gỗ tiếp tục gặp phải hàng rào phòng vệ thương mại từ thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Dự báo được Chủ tịch Viforest đưa ra, ngành gỗ đối mặt với nguy cơ không tăng trưởng trong năm nay và phải tới quý 2/2023, triển vọng mới có thể sáng hơn khi lạm phát dần được kiểm soát.

Tại TTF, dù trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện được 2/3 mục tiêu lợi nhuận năm, nhưng việc hoàn thành chặng đường còn lại với doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay vẫn là thách thức lớn.

Bên cạnh câu chuyện thị trường, sức cầu giảm, doanh nghiệp gỗ còn đối mặt với vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (mã GTA), trong quý 3, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 98,7 tỷ đồng nhưng chi phí hết 95,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3,6 tỷ đồng.

Chi phí cao khiến biên lợi nhuận của GTA trong quý 3 mỏng. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đạt tổng doanh thu hơn 569 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 58,2% và 63,6% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu còn nhiều biến động, doanh nghiệp phải linh hoạt để kịp bám sát sự thay đổi, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường. Doanh nghiệp phải làm việc sát với các đối tác, bao gồm cả cung cấp dự báo và tham gia giúp nhà cung cấp giảm giá thành để có giá đầu vào tốt hơn, tinh gọn toàn bộ, từ mã vật tư cho đến sơ đồ tổ chức và quy trình.

Chia sẻ Facebook