Doanh nghiệp game Việt lo mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên sân nhà
Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện VNG lo các doanh nghiệp game Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh trên sân nhà, thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu.
Sáng 5/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt” với sự tham gia của các đại diện Bộ, ngành liên quan, chuyên gia.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt rất quan trọng, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, thậm chí là sự sống còn của doanh nghiệp.
Dự án Luật có 6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, bổ sung 4 đối tượng chịu thuế bao gồm: Nước giải khát có đường; Thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; Sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; Kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng.
Trong đó, trò chơi điện tử là một ngành có nhiều tiềm năng, vì những lợi ích mà nó mang lại, không chỉ là về doanh thu, lợi nhuận, mà còn trực tiếp tác động đến doanh thu của các ngành khác.
Ngành game luôn nằm trong nhóm tiên phong về đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp số. Các công ty trong ngành luôn là tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ, các phương thức làm việc tiến bộ để phục vụ người dùng.
Một ví dụ điển hình là trò chơi điện tử, cùng với thương mại điện tử đã tác động mạnh mẽ đến việc thanh toán không sử dụng tiền mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tham gia góp ý, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam cho biết, Việt Nam dù có nhiều tiềm năng để phát triển ngành game, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn và có tốc độ phát triển còn hạn chế.
Trong khi đó, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đang dần bán mình cho các công ty nước ngoài.
Theo ông Nghĩa, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc nguồn lực ngành game của Việt Nam chậm phát triển bởi môi trường kinh doanh chủ yếu trên internet.
Với môi trường kinh doanh là internet, khoảng cách địa lý không còn quan trọng, các doanh nghiệp lớn mạnh có thể nhanh chóng phát hành sản phẩm và tiếp cận thị trường toàn cầu, bao gồm Việt Nam, với mức tăng trưởng không giới hạn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp ngay trên chính sân nhà của mình, vì việc quản lý của Chính phủ trên môi trường internet là cực kỳ khó khăn và bị động.
Theo ông Nghĩa, cần thẳng thắng thừa nhận rằng hiện nay môi trường kinh doanh của ngành game trong nước chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Điều này dẫn đến thực trạng không ít doanh nghiệp có chủ yếu là nhân sự là người Việt, thành công ở Việt Nam và cả thị trường nước ngoài, nhưng lại được khai sinh ở một quốc gia khác, như Singapore.
Theo nghiên cứu của Liên minh, chưa có bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam (điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc) chứ công cụ thuế thì chưa có tiền lệ.
Do đó, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam mong và đề xuất trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như trong dự thảo.
Là một trong những doanh nghiệp gắn bó với ngành game ở Việt Nam từ những ngày đầu tiên tới nay, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến tại VNGGames đồng tình với ý kiến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty nước ngoài.
Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động, 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.
Ông Thắng chia sẻ: “Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, e rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính sẽ trở nên rất nặng nề”.
Do đó, ông Thắng mong rằng cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng và nghiên cứu lại việc đưa trò chơi trực tuyến vào diện đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong bối cảnh Nhà nước chưa thể tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trái phép, nếu chưa có những đánh giá đầy đủ, xác đáng, khách quan, đa chiều về tác động của chính sách với ngành, thì ít nhất cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn trước khi đưa ra quyết định .