Doanh nghiệp du lịch, giải trí hồi sinh
Năm 2022 nhờ việc mở cửa hoàn toàn với du lịch, các doanh nghiệp trong ngành đã có sự phục hồi tốt về mặt doanh thu, song lợi nhuận vẫn còn phân hóa. Lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh nhưng lượng khách quốc tế vẫn chưa đạt kỳ vọng và đây sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành trong năm 2023.
Doanh nghiệp du lịch, giải trí hồi sinh
Năm 2022 nhờ việc mở cửa hoàn toàn với du lịch, các doanh nghiệp trong ngành đã có sự phục hồi tốt về mặt doanh thu, song lợi nhuận vẫn còn phân hóa. Lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh nhưng lượng khách quốc tế vẫn chưa đạt kỳ vọng và đây sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành trong năm 2023.
Nguồn thu tăng mạnh
Sau hai năm hoạt động gần như đóng băng vì dịch bệnh, ngày 15/03/2022 đánh dấu mốc cho sự trở lại của ngành du lịch, giải trí khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch đối với tất cả hình thức, cửa khẩu, không hạn chế bất cứ hoạt động nào đối với khách nội địa và quốc tế. Động thái này đã giúp các doanh nghiệp trong ngành phục hồi đáng kể, doanh thu tăng mạnh so với hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giảm lỗ hoặc có lãi.
Với thương hiệu Vinpearl, mảng dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí của Tập đoàn Vingroup ( HOSE : VIC ) đã có sự cải thiện trong năm qua. Doanh thu thuần đạt 7,532 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ; lỗ trước thuế 5,902 tỷ đồng, giảm so với mức 10,880 tỷ đồng năm 2021. Như vậy, doanh thu mảng này đã gần về mức trước dịch 2019 là 8,843 tỷ đồng.
Du lịch Thành Thành Công ( HOSE : VNG ) - chủ chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí thương hiệu TTC Hospitality tại các địa điểm du lịch lớn như Hội An, Đà Lạt, Nha Trang… báo cáo doanh thu đạt 645 tỷ đồng, gấp 3.5 lần; lãi gộp 202 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 26 tỷ đồng năm 2021. Dù vậy, lợi nhuận ròng vẫn khiêm tốn, chỉ 2.6 tỷ đồng, do hụt thu hoạt động tài chính.
Sở hữu khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Hội An, Du lịch Dịch vụ Hội An ( HOSE : HOT ) công bố doanh thu gần 41 tỷ đồng trong năm 2022, tăng so với hai năm dịch bệnh nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước dịch. Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân do cạnh tranh gay gắt phải giảm giá bán, chi phí tăng cao như bảo dưỡng cơ sở vật chất, trích lập dự phòng phải thu khó đòi, chi phí thuê đất… Theo đó, công ty lỗ 19 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 21 tỷ đồng năm 2021 và 25 tỷ đồng năm 2020. Tính đến cuối năm 2022, Công ty lỗ lũy kế hơn 64 tỷ đồng và đánh dấu 3 năm lỗ liên tiếp, đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên HOSE .
Doanh thu chủ sở hữu Six Senses Ninh Vân Bay – Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay ( HOSE : NVT ) năm 2022 đạt 337 tỷ đồng, tăng 166%; lỗ giảm từ 50 tỷ đồng về 12 tỷ đồng. Khách sạn Sài Gòn ( HNX : SGH ) ghi nhận doanh thu tăng 56% lên 28 tỷ đồng và lãi sau thuế gấp đôi lên 9 tỷ đồng.
Đi ngược thị trường, doanh thu Tập đoàn Khách sạn Đông Á ( HOSE : DAH ) giảm sâu từ 687 tỷ đồng xuống 25.7 tỷ đồng, lợi nhuận tăng nhẹ gần 6% lên 45 tỷ đồng. Nguyên nhân là DAH đã bán công ty con duy nhất – Công ty TNHH Du lịch Khạch sạn Đông Á nên không còn nguồn thu từ kinh doanh khách sạn.
Không chỉ trong mảng lưu trú, doanh nghiệp lữ hành Vietravel (UPCoM: VTR ) cũng phục hồi mạnh trong năm qua và có lãi trở lại sau hai năm lỗ liên tiếp. Cụ thể, doanh thu của VTR đạt 3,814 tỷ đồng, gấp nhiều lần năm trước; lãi ròng 121 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 350 tỷ đồng trong năm 2021. Kết quả kinh doanh ngày càng cải thiện, qua đến quý 3/2022, VTR bắt đầu có lãi và quý 4/2022 tăng mạnh nhờ giảm sở hữu tại hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines từ 44% xuống 13.7% - không còn là đơn vị liên kết.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải biển - Superdong Kiên Giang (HoSE: SKG ) công bố doanh thu gấp 2.4 lần, đạt 410 tỷ đồng; lãi ròng 44 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ 39 tỷ đồng. Công viên nước Đầm Sen ( HOSE : DSN ) báo cáo lợi nhuận gấp 4.3 lần năm 2021, đạt 108 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch, giải trí trên sàn chứng khoán
(Đvt: tỷ đồng)
Năm 2023 kỳ vọng phục hồi lượng khách quốc tế
Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh và cũng là ngành phục hồi mạnh nhất sau dịch. Năm 2022, đa phần doanh nghiệp đều ghi nhận phục hồi tốt so với hai năm trước, song vẫn chưa thể về mức trước dịch (2019). Nguyên nhân được cho là do lượng khách quốc tế chưa được như kỳ vọng.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, khách du lịch nội địa đạt 103 triệu lượt, gấp 2.6 lần 2021 và tăng 21% so với 2019. Lượng du khách quốc tế đạt 3.44 triệu lượt, tăng mạnh so với hai năm dịch nhưng chỉ bằng 19% thời kỳ đỉnh cao 2019.
Trung Quốc vốn là nhóm khách hàng quốc tế lớn, chiếm 1/3 thị trường du lịch Việt. Trước dịch bệnh (2019), du khách Trung Quốc chiếm 32% lượng khách quốc tế đến Việt Nam với 5.8 triệu lượt, Hàn Quốc chiếm gần 24% với 4.3 triệu lượt. Trong giai đoạn 2015 - 2019, khách Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng bình quân 34.4% mỗi năm.
Song năm 2022, khách từ nền kinh tế thứ hai thế giới đến Việt Nam chỉ đạt 72,000 lượt. Vào đầu năm nay, Trung Quốc đã giảm các cấp độ kiểm soát dịch bệnh và bước đầu mở cửa. Sự trở lại của nhóm du khách này được kỳ vọng giúp ổn định dòng khách quốc tế đến Việt Nam.
Năm 2023, ngành du lịch đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, lượng khách du lịch nội địa dự báo sẽ đi ngang sau giai đoạn dồn nén và những khó khăn của nền kinh tế, thu nhập người dân giảm; song lượng du khách quốc tế có khả năng tăng mạnh.
Kể từ tháng 09/2022, lượng khách quốc tế có sự tăng dần đều và tính đến tháng 02/2023 đã ngấp nghé ngưỡng 1 triệu lượt. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2 đạt 933,000 lượt người, tăng 7.1% so với tháng trước và gấp 32 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.8 triệu lượt, gấp gần 37 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngân Hà