Doanh nghiệp "dọn ổ" cho Samsung ở Thái Nguyên kinh doanh đi xuống
Dù sở hữu tổ hợp khu công nghiệp - đô thị quy mô lên tới 8.000ha, song kết quả kinh doanh của Yên Bình Corp những năm gần đây có xu hướng suy giảm. Các chỉ số tài chính ROA và ROE năm 2020 chỉ đạt lần lượt 0,16% và 0,03%.
Siêu tổ hợp 8.000ha
Tháng 3/2013, Samsung chính thức khởi công dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên) với hạt nhân là nhà máy Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT), tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD.
Dự án này được coi là cú huých đưa Thái Nguyên sau đó trở thành quán quân cả nước về quy mô và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 năm liên tiếp là 2013 và 2014.
Samsung thời điểm đó đã chọn KCN Yên Bình – khu công nghiệp mới được bổ sung vào quy hoạch cả nước vào năm 2012, tức chỉ 1 năm trước khi có sự hiện diện của Samsung.
Tập đoàn Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư đầu tiên và lớn nhất tại KCN Yên Bình. Quan trọng hơn, cũng nhờ Samsung, KCN Yên Bình thu hút nhiều doanh nghiệp chuyên phụ trợ như: Công ty TNHH Seung Woo Vina, Công ty TNHH Messer Hải Phòng, Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam....
Tính đến tháng 5/2022, KCN Yên Bình đã nhận giải ngân trên 6,64 tỷ USD trong tổng số 7,92 tỷ USD của các doanh nghiệp FDI, chiếm gần 90% tổng số vốn FDI đã thực hiện của cả tỉnh Thái Nguyên.
Từ khởi đầu thuận lợi, Samsung vào tháng 12/2021 đã nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh tăng vốn đầu tư dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại KCN Yên Bình lên 2,27 tỷ USD (tức tăng thêm 920 triệu USD). Chỉ 2 tháng sau (tức tháng 2/2022), dự án đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng.
Được biết, KCN Yên Bình (diện tích 396,43ha, tổng mức đầu tư 3.820 tỷ đồng) nằm trong Tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Tổ hợp Yên Bình), tổng quy mô hơn 8.000ha, chủ đầu tư là CTCP Đầu tư và Phát triển Yên Bình (Yên Bình Corp). Đến nay, KCN Yên Bình đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và 2 theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích 400ha.
Theo giới thiệu, dự án Tổ hợp Yên Bình còn nhiều hạng mục, tổ hợp công trình khác như: Dự án Khu đô thị thông minh S-City, quy mô 1.035ha, được đánh giá là khu trung tâm và hạt nhân phát triển của Tổ hợp Yên Bình; Trung tâm Khu đô thị Nông nghiệp công nghệ cao Agro-Park quy mô 850ha; Khu Đô thị Sinh thái Eco-City quy mô 1.450ha với các loại hình như sân golf (180ha), khu resort nghỉ dưỡng Yên Bình (85ha), Làng Quốc tế 1 (155ha) và 2 (135ha)…; Khu bảo tồn Văn hóa Làng xã 1.000ha; Khu đô thị Công nghiệp I (1.016ha) và II (816ha).
Có thể thấy, cùng với cho thuê KCN, các dự án khu đô thị cũng là mảng hứa hẹn đem tới lợi nhuận “khủng” cho Yên Bình Corp.
Theo tìm hiểu, Yên Bình Corp trong năm 2021 đã được UBND tỉnh Thái Nguyên giao 15,8ha đất để thực hiện Khu đô thị Yên Bình giai đoạn 1 (phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên), và giao 12,5ha đất thực hiện Khu đô thị Yên Bình giai đoạn 1B (xã Tân Hương và phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên).
Cả 2 dự án này sau đó đều được Yên Bình Corp thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Chủ đầu tư Tổ hợp Yên Bình - Yên Bình Corp được thành lập năm 2008, với các cổ đông sáng lập gồm: CTCP Hoàng Thịnh Đạt (38,25%), CTCP An Phú Long (51,75%), và bà Vũ Thị Thảo (10%). Đến thời điểm hiện tại, cơ cấu cổ đông doanh nghiệp ghi nhận duy nhất Hoàng Thịnh Đạt nắm 38,25%, còn CTCP An Phú Long và bà Vũ Thị Thảo đều đã thoái hết vốn vào tháng 10/2018. Dù vậy, ông Vũ Xuân Hợp (SN 1952) - Người đại diện theo pháp luật của An Phú Long hiện vẫn là Chủ tịch HĐQT Yên Bình Corp; Trong khi đó, ông Hoàng Văn Long (SN 1974) là Tổng giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật.
Khoản lãi “mỏng” của Yên Bình Corp
Dù nắm trong tay siêu dự án quy mô lên tới 8.000ha, song khá bất ngờ khi KQKD của Yên Bình Corp giai đoạn 2016-2020 lại có xu hướng suy giảm nhanh.
Theo đó, doanh thu thuần và lãi sau thuế Yên Bình Corp giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân lần lượt 16,4%/năm và 31,65%/năm. Tính riêng năm 2020, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 118,9 tỷ, giảm 39,34% so với năm 2019; lãi ròng 1,08 tỷ đồng, giảm 76%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của Yên Bình Corp trong 5 năm trở lại đây.
So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành (theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2020), Yên Bình Corp có quy mô lãi ròng ở mức thấp nhất.
Tính ra, ROA và ROE của Yên Bình Corp năm 2020 chỉ đạt lần lượt 0,16% và 0,03% - thua xa các doanh nghiệp cùng ngành, kể cả các doanh nghiệp được đánh giá làm ăn kém hiệu quả là ITA.