Doanh nghiệp điện gió Bạc Liêu than khó vì bị cắt giảm công suất phát điện
Trong khi điện sản xuất không đủ đáp ứng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải nhập khẩu điện để đảm bảo cung cấp điện nhưng EVN lại yêu cầu chủ đầu tư nhà máy điện gió cắt giảm công suất, đây là một bất cập cần được tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu, (chủ đầu tư dự án điện gió Hòa Bình 5) cho biết, dự án điện gió Hòa Bình 5, giai đoạn 1, có 26 trụ turbin với công suất 80MW đã được đấu nối phát điện thương mại trước 31/10/2021.
Phần lớn thời gian triển khai dự án rơi vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của doanh nghiệp và sự đồng hành của chính quyền địa phương, dự án đã hoàn thành trước thời gian giá FIT (giá bán điện được hỗ trợ) hết hạn, nên dự án cũng đã có được thuận lợi bước đầu.
"Dự án có tổng mức đầu tư trên 3.700 tỷ đồng, công suất phát điện theo thiết kế có thể đạt 280 triệu kWh/năm. Theo tính toán của doanh nghiệp, với công suất vận hành như trên thì mỗi năm doanh nghiệp sẽ đóng góp cho nguồn thu ngân sách địa phương trên 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là từ khi đi vào hoạt động đến nay nhà máy điện chỉ mới khai thác được khoảng 70% công suất. Nguyên nhân là do yêu cầu cắt giảm công suất của trung tâm điều độ điện lực. Với việc cắt giảm công suất như vậy, ước tính bình quân hàng tháng doanh nghiệp bị giảm doanh thu khoảng 8 tỷ đồng, đây là một khó khăn không lường trước được của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư dự án", ông Dũng nêu khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết tỉnh Bạc Liêu là địa phương đi đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong đầu tư phát triển điện gió. Từ nhà máy điện gió đầu tiên (điện gió Bạc Liêu) được xây dựng hoàn thành vào năm 2016, đến nay Bạc Liêu đã có thêm 7 dự án nhà máy điện gió được đưa vào vận hành thương mại, đóng góp rất lớn cho nguồn năng lượng quốc gia.
"Không riêng gì Công ty cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu mà nhiều doanh nghiệp đầu tư điện gió cũng phản ánh thường xuyên bị EVN cắt giảm công suất.
Vì sao chúng ta sản xuất điện không đủ đáp ứng và phải nhập khẩu thêm điện với giá cao nhưng lại không tìm cách phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo. Đây có được xem là hạn chế trong công tác quản lý, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phản ánh ý kiến cử tri về vấn đề này trước diễn đàn Quốc hội", ông Thiều đề xuất.
Theo EVN, chỉ tính riêng năm 2021, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tăng lên đến 1,68 tỷ kWh (trong đó, tiết giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7 - 9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này). Sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo đang tăng lên khi ngày càng có nhiều dự án hoàn thành, đây là một lãng phí rất lớn trong khi các nguồn năng lượng nhiệt điện khác đang thiếu hụt, giá cả ngày càng đắt đỏ.