Doanh nghiệp dịch vụ phi hàng không ăn nên làm ra

Chia sẻ Facebook
11/02/2023 13:09:31

Cùng với sự trở lại của thị trường hàng không, các doanh nghiệp dịch vụ phi hàng không đều lấy lại đà tăng trưởng, bắt đầu báo lãi trong năm 2022.

Năm 20222, thị trường hàng không Việt đã tiến nhanh trên con đường phục hồi sau những trượt dài. Kéo theo sự hồi phục đó, ngành dịch vụ phi hàng không với các dịch vụ như suất ăn hàng không, bán hàng miễn thuế, nhà hàng, phòng chờ thương gia...cũng được hưởng lợi.


Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (UPCoM: SAS) , trong quý IV, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần gần 559 tỷ đồng và lãi gộp 303 tỷ đồng, tăng lần lượt 9 lần và 13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp của SASCO cũng tăng cao, từ 38% tăng lên thành 54%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính gấp đôi cùng kỳ, ở mức 43 tỷ đồng, nhờ các khoản chia cổ tức và chênh lệch tỷ giá.

Khi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại, SASCO cũng ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên tương ứng 165 tỷ đồng và 96 tỷ đồng (gấp nhiều lần cùng kỳ).

Kết quả, SASCO lãi ròng 89 tỷ đồng trong quý IV/2022, đánh dấu quý lãi cao nhất kể từ quý II/2019, trong khi cùng kỳ chỉ lãi 3 tỷ đồng.

Điều này cho thấy hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất đã trở lại bình thường phần nào và có thể tăng trưởng thêm khi du khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.


Cả năm 2022, SASCO ghi nhận doanh thu thuần 1.400 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước. Lãi ròng ở mức 210 tỷ đồng, gấp 70 lần cùng kỳ, nhưng vẫn chưa thể trở về mức trước dịch và chỉ tương đương hơn 53% lãi năm 2019.

Nhờ hoạt động dần trở lại, SASCO cũng sở hữu bảng cân đối kế toán lành mạnh, với hơn 600 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, trong khi không có vay nợ tài chính. Tổng tài sản của doanh nghiệp cũng tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng so với đầu năm, đạt mức 2.044 tỷ đồng.


Cũng bắt đầu "bừng tỉnh" khi các chuyến bay quốc tế trở lại ngày càng nhộn nhịp, Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, HOSE: SGN) ghi nhận doanh thu thuần 298 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 72 tỷ đồng trong quý IV/2022, lần lượt tăng hơn 2,6 lần và 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Các hoạt động tài chính không đáng kể, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ chỉ tăng 2,4 lần, đạt 36 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Phục vụ mặt đất Sài Gòn đạt 37 tỷ đồng (tăng 4,8 lần) và lãi ròng gần 30 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,3 lần so với cùng kỳ.

Tính cả năm 2022, SAGS ghi nhận 995 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 2 lần), gần 138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 2,6 so với cùng kỳ)

Trong năm, SAGS đưa ra kế hoạch doanh thu hợp nhất ước đạt 795 tỷ đồng, lãi ròng được dự tính ở mức 108 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành vượt kế hoạch cả về doanh thu lẫn lãi ròng.

Các cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài.


CTCP Dịch vụ hàng không Taseco (HOSE: AST) - doanh nghiệp sở hữu chuỗi hơn 100 cửa hàng bán lẻ sân bay Việt Nam, chủ yếu ở sân bay Nội Bài và Đà Nẵng, cũng đã bắt đầu báo lãi sau 2 năm ghi nhận lỗ.

Theo đó, quý IV, doanh nghiệp này ghi nhận 216 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,7 lần so với cùng kỳ; trên 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (so với mức lỗ 18 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2021).

Lũy kế cả năm, doanh nghiệp này có doanh thu đạt 604 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2021; lãi ròng đạt 34 tỷ đồng trong khi cùng kỳ, Taseco lỗ tới 128 tỷ đồng.

Nhờ kinh doanh khởi sắc, tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng khả quan hơn. Tổng tài sản tăng thêm 76 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 579 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu tăng trên 40 tỷ, đạt 455 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 22 tỷ đồng.


Không có mức tăng ấn tượng như nhiều doanh nghiệp khác, trong năm 2022, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS, HOSE: NCT) lại có doanh thu gần như đi ngang với cùng kỳ năm 2021, đạt 736 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 237 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với năm 2021.

Sau một năm hoạt động, tổng tài sản của NCTS lại giảm hơn 50 tỷ đồng so với con số đầu năm, chủ yếu là do việc giảm các tài sản ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu cũng giảm nhẹ 25 tỷ đồng, duy trì ở mức 432 tỷ đồng.


Tương tự, CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) trong năm 2022 đã thoát lỗ khi lãi ròng tăng đến trên 82 tỷ đồng, đạt 5,3 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, lãi ròng đạt 8,5 tỷ đồng, tăng 214% với với cùng kỳ năm 2021 (lỗ 7,5 tỷ đồng).


CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS) cũng đã bắt đầu có lãi trong năm 2022 với trên 1,2 tỷ đồng. Dù nhỏ nhưng nếu so với mức lỗ 15 tỷ đồng trong năm 2021 thì cũng đã cho thấy những khởi sắc. Trong khi đó, doanh thu tăng trưởng 130% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 107 tỷ đồng. Riêng quý IV, doanh thu đã tăng trưởng gấp 3 lần với lợi nhuận sau thuế đạt 1,6 tỷ đồng .

Chia sẻ Facebook