Doanh nghiệp địa ốc ngóng chính sách mới
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho biết vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến thị trường bất động sản hiện nay là thủ tục pháp lý khi luật mới chưa hẹn ngày phê duyệt.
Doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu đến 40% giá hợp đồng.
70% khó khăn đến từ thủ tục pháp lý
Chia sẻ tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản phía nam cho biết, 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm).
Bên cạnh đó, cũng có tình trạng tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ, không dám đề xuất, không dám quyết định. Làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.
Cũng ghi nhận tình trạng trên, trao đổi riêng với DĐDN , ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cũng thừa nhận thị trường bất động sản rơi vào tình trạng chung đang rất khó khăn.
Đặc biệt, nguyên nhân lớn nhất là các khung pháp lý, các Luật “đinh” của thị trường như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang trong thời gian sửa đổi dẫn đến tình trạng “không ai dám làm, không dám phê duyệt”. Thủ tục đầu tư kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó tác động của một số doanh nghiệp làm không chuẩn chỉ, gây nên những tiêu cực, những vấn đề về lợi ích ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và người làm thật.
Ông Sơn cho biết, một số nguyên nhân khác đến từ khó khăn trong nguồn vốn tín dụng, việc kiểm soát dòng tín dụng vào thị trường bất động sản cũng là một biểu hiện. Song, thực tế với các doanh nghiệp làm dự án phục vụ nhu cầu ở thực của người dân thực tế không quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng như vậy vì họ có chiến lược sử dụng vốn rất dài hạn.
“Việc hạn chế tín dụng một thời điểm sẽ có tác động nhưng không phải không quá lớn với thị trường. Vấn đề quan trọng hiện nay là thủ tục pháp lý vẫn còn bất cập. Các nhà phát triển bất động sản và cả người mua đang mất lòng tin, ảnh hưởng xấu đến thị trường và cả nền kinh tế” – ông Bùi Khắc Sơn chia sẻ.
Sớm hoàn thiện sửa đổi các Luật
Ông Bùi Khắc Sơn kiến nghị Chính phủ sớm có một định hướng rõ ràng dẫn dắt thị trường, có thời hạn cụ thể việc hoàn thiện sửa đổi luật, các thủ tục hành chính và sớm triển khai để doanh nghiệp có thể tiếp tục thực hiện thủ tục đầu tư.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản phía Nam cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Đồng thời, trong lúc chờ Luật Đất đai và một số luật liên quan (mới), đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở.
Trong đó, sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP để tháo gỡ các “vướng mắc” về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội và sửa đổi Nghị định 31/2021/NĐ-CP để tháo gỡ “vướng mắc” về “thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch” và cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong chính dự án của mình.