Doanh nghiệp đẩy mạnh sản phẩm mới, thị trường mới
Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ. Kết quả khả quan này nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp và chỉ đạo sát sao của Chính phủ.
Chi phí nhiên liệu biến động, đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng không ổn định đó là khó khăn chung của của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 283 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có cán cân thương mại thặng dư với hơn 6,52 tỷ USD.
400.000 tấn gạo ST25 sẽ được nhập khẩu vào Nhật Bản mỗi năm và dự kiến khoảng 1 triệu tấn vào 2030. Để có được điều này, Công ty CP Tập đoàn Tân Long đã mất hơn 1 năm đàm phán và vượt qua khoảng 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khác
"Đây được xem là sản phẩm cận hữu cơ, có thể vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật Bản và đạt tiêu chuẩn, không có dư lượng hoá chất hay chất cấm. Chính phủ Nhật bản cũng tài trợ tài trợ chi phí kiểm định", ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long cho hay.
Còn với Công ty TNHH Cao su Giải phóng, bên cạnh xuất khẩu đi Mỹ, đi Nhật Bản thì đã khai thác các thị trường mới là New Zealand. Hơn 2 triệu USD là giá trị hợp đồng của sản phẩm ống dẫn nước máy giặt mà doanh nghiệp đã đạt được, thay thế cho nhà cung cấp của Trung Quốc, sau khi đáp ứng những yêu cầu khắt khe.
Ngoài chất lượng, nhiều thị trường khó tính như châu Âu cũng chú trọng và ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất có các quy trình công nghệ xanh hơn, giảm phát thải, nước thải hoặc tiết kiệm năng lượng.
Hiện Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, có những hiệp định thương mại chiếm đến 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Từng doanh nghiệp đang chuyển mình để có thể khai tác tối đa các FTA.
Làm ra sản phẩm mới, đủ khả năng có thể thay thế các nhà cung ứng nước ngoài, có thể nói nâng cấp về chất lượng đang là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp Việt lựa chọn để có thể chinh phục những thị trường mới với những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua các cơ quan thương vụ
Những nỗ lực của các doanh nghiệp đã đóng góp rất tích cực vào tình hình xuất khẩu 9 tháng qua đối với cả thị trường truyền thống cũng như thị trường mới.
Như với EU - một thị trường rất lớn và khó tính, ấn tượng nhất là Việt Nam có mức xuất siêu tăng đến gần 50% so với cùng kỳ. Với châu Mỹ, kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được đà tăng trên 23% ở cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ. ASEAN tăng gần 26%.
Còn khu vực Tây Nam Á, xuất khẩu sang Saudi Arabia tăng 87%, theo sau là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... hay thị trường quen thuộc Australia cũng tăng gần 43%.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh 9 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đã đạt gần 600 tỷ USD. Đáng chú ý là sự tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, thuỷ sản, có 7/9 mặt hàng đã có mức tăng trưởng trên 10%.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay: "Các hoạt động xúc tiến cho các mặt hàng nông sản, trái cây, rau quả diễn ra tốt như tại thị trường Australia hay Trung Quốc chúng ta có nhiều hoạt động xúc tiến mạnh mẽ".
"Thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương, các cơ quan đại diện, thương vụ tại Australia đã kết hợp triển khai các hoạt động triển lãm thực tế và trên nền tảng số, tạo ra cơ hội lớn hơn cho hàng hóa Việt Nam", ông Nguyễn Phú Hòa - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho hay.
Suốt 3 tháng qua, ngay khi nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa... do tình hình lạm phát gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống các thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài và yêu cầu các thương vụ cần phát huy vai trò vị trí tiền tuyến.
Khi các thị trường lớn truyền thống đang gặp khó khăn phải nhanh chóng khai thác, mở rộng sang các thị trường mới nhiều tiềm năng, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển cho hay: "Chiến lược phát triển của Việt Nam và Bắc Âu hiện nay là tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu xuyên suốt, dài hạn. Hàng loạt các cam kết về vấn đề này đã được cấp cao nhất của Việt Nam khẳng định, cùng với đó là các hoạt động quảng bá của các cơ quan đại diện tại đây đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng với sản phẩm Việt".
"Sự chỉ đạo khẩn cấp nhanh chóng của Thủ tướng Chính phủ cho 5 Bộ ngành, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý nhanh vụ hạt điều đã cho thấy thành công của một Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt bảo vệ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp phát triển ở thị trường thế giới", ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy nói.
Nắm thông tin thị trường, chính sách mang tính chất quyết định, thậm chí là chiến lược với từng đơn hàng xuất khẩu vào lúc này. Đây là chìa khóa thành công cho mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay trên 700 tỷ USD.
Có thể thấy, lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo giảm cầu hàng hoá nhập khẩu. Giá hàng hóa thiết yếu, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao... sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung, trong đó có xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thách thức rất lớn, nhưng xuất khẩu quý III và cả 9 tháng cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu là kết quả rất đáng mừng cho nền kinh tế. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ và linh hoạt của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.