Doanh nghiệp dầu khí làm ăn ra sao năm 2022?

Chia sẻ Facebook
23/02/2023 09:07:15

Nguồn cung thiếu hụt vì cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến giá dầu trong năm 2022 biến động mạnh, thậm chí có lúc chạm đến mức giá kỷ lục. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp lớn bội thu doanh số. Nhưng đổi lại, mức lãi không phải lúc nào cũng như kỳ vọng.

Doanh nghiệp dầu khí làm ăn ra sao năm 2022?

Nguồn cung thiếu hụt vì cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến giá dầu trong năm 2022 biến động mạnh, thậm chí có lúc chạm đến mức giá kỷ lục. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp lớn bội thu doanh số. Nhưng đổi lại, mức lãi không phải lúc nào cũng như kỳ vọng.

4 ông lớn mang về 670 ngàn tỷ đồng, nhưng…


Những biến động từ thị trường xăng dầu thế giới đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí có nguồn thu tăng kỷ lục. Trong đó, 4 ông lớn ngành dầu khí là Petrolimex ( HOSE : PLX ), PV OIL (UPCoM: OIL ), PV GAS (UPCoM: GAS ) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR ) có tổng doanh thu lên đến hơn 670 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên nếu xét về lợi nhuận, không phải ông lớn nào cũng đạt được những gì mình mong đợi.

4 ông lớn mang về hơn 670 ngàn tỷ đồng doanh thu cho ngành xăng dầu 2022

Petrolimex vừa trải qua quý 4 cực kỳ thuận lợi với doanh thu hơn 78.3 ngàn tỷ đồng, hơn cùng kỳ 59%; lãi ròng tăng mạnh 96%, lên hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Kết quả này nhờ vào việc giá cơ sở trong quý 4 đã được liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh kịp thời để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và chi phí khâu tạo nguồn, lưu thông thực tế. Bên cạnh đó, hoạt động từ các công ty con đã ổn định sau đại dịch, trong khi nguồn lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh.

Cũng nhờ quý 4 thuận lợi, bức tranh kinh doanh của Petrolimex năm qua sáng sủa hơn rất nhiều. Tập đoàn kết năm ở mức doanh thu cao nhất lịch sử - hơn 304 ngàn tỷ đồng, tăng 80% so với năm trước. Tuy vậy, lãi ròng chỉ bằng phân nửa năm trước, đạt khoảng 1.48 ngàn tỷ đồng, chủ yếu do khoản lỗ ròng gần 200 tỷ đồng trong quý 2 (cùng kỳ lãi gần 1.5 ngàn tỷ đồng) vì chi phí bán hàng cùng giá vốn tăng mạnh, và lãi giảm hơn 63% trong quý 1 vì nhu cầu xăng dầu tăng đột biến làm biên lãi gộp lao dốc.

Lãi ròng của Petrolimex sụt giảm mạnh, bất chấp doanh thu lập kỷ lục


So với kế hoạch năm, Tập đoàn đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và hơn 650% mục tiêu lợi nhuận trước thuế. Nhưng cần nhớ rằng vào ngày 06/12/2022, ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của PLX đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó có việc giảm mục tiêu lợi nhuận từ hơn 3 ngàn tỷ xuống còn 300 tỷ đồng (giảm 90%). Như vậy nếu so với mục tiêu trước đó, Tập đoàn mới thực hiện được gần 74% kế hoạch lãi trước thuế.


Tương tự, PV OIL cũng lập kỷ lục về doanh thu năm qua với con số hơn 104 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng hơn 80%, nhưng lãi ròng chỉ đạt gần 548 tỷ đồng, thấp hơn năm trước 9%. Quý 4 của OIL , trái lại, tương đối ổn với doanh thu và lãi ròng đều tăng trưởng, đạt hơn 24 ngàn tỷ đồng và gần 162 tỷ đồng. Theo giải trình, OIL cho biết lãi trước thuế thực tế đã sụt giảm, nhưng chi phí thuế thu nhập lại thấp hơn cùng kỳ, qua đó làm tăng lãi sau thuế.


So với mục tiêu đặt ra, OIL vẫn vượt 30% doanh thu và 182% mục tiêu lãi sau thuế của cả năm. Dẫu vậy, lỗ lũy kế của Doanh nghiệp tính tới thời điểm ngày 31/12/2022 vẫn còn hơn 436 tỷ đồng.

Dù lãi vượt kế hoạch, OIL vẫn chưa hết tổng lỗ lũy kế


Trong khi đó, câu chuyện của PV GAS và BSR lại có màu sắc tươi tắn hơn. Với GAS , doanh nghiệp “chốt” năm cũ bằng mức doanh thu kỷ lục: hơn 100 ngàn tỷ đồng, vượt gần 26% kế hoạch năm. Lãi sau thuế hơn 15 ngàn tỷ đồng, tăng so với năm trước 71% và vượt 113% mục tiêu đặt ra. Trung bình, mỗi tháng GAS lãi hơn 1.25 ngàn tỷ đồng trong năm vừa qua.


BSR cũng thu hơn 167 ngàn tỷ đồng năm 2022, tăng hơn 65%; lãi ròng gấp hơn 2.1 lần cùng kỳ, đạt hơn 14.4 ngàn tỷ đồng. So với kế hoạch năm, ông lớn lọc dầu vượt hơn 82% mục tiêu doanh thu và vượt hơn 10 lần kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

BSR lãi khủng, vượt hơn 10 lần kế hoạch lãi sau thuế


Tuy vậy trong quý 4, BSR ghi nhận giảm lãi tới 44%, còn gần 1.5 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, giá dầu thô biến động trong quý 4 theo chiều hướng giảm (trong khi năm 2021 tăng mạnh). Bên cạnh đó, chênh lệch giá dầu thô và giá sản phẩm dầu (dầu DO, Jet A1) trong quý 4/2022 cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ, trong khi chênh lệch giữa giá dầu thô và xăng lại thấp hơn, qua đó gây ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của BSR .


Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng như PPT , PPY hay PVS . Nhìn chung, đa số các doanh nghiệp dầu khí năm qua đều đạt doanh thu tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, doanh thu tăng không có nghĩa lợi nhuận cũng tăng.


SFC , POV , CCI , TDG … đều nằm trong số những doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là COM (Vật tư Xăng Dầu COMECO) và PEG (Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư), với mức giảm lần lượt gần 79% và tới gần 97%, bất chấp doanh thu hàng ngàn tỷ đồng trong năm qua.


Một số doanh nghiệp còn ghi nhận thua lỗ. Như PVD (PV Drilling, hay Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí) thu hơn 5.4 ngàn tỷ đồng (tăng 36%) nhưng lỗ ròng gần 100 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 20 tỷ đồng). Dù có quý 4 tương đối khả quan nhờ hiệu suất cho thuê giàn khoan có thêm đóng góp từ giàn khoan PV Drilling V, nhưng các khoản lỗ nặng trong 3 quý đầu năm đã khiến PVD phải chịu kết quả thua lỗ lũy kế.

Bức tranh trái chiều của doanh nghiệp dầu khí năm 2022

Hồng Đức

Chia sẻ Facebook