Doanh nghiệp đau đầu kê khai thuế điện tử
Việc áp dụng kê khai thuế điện tử, cách thức áp dụng các mẫu biểu theo thông tư mới, cũ cùng với phần mềm hỗ trợ kê khai chưa “mượt mà” khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu…
Doanh nghiệp đau đầu kê khai thuế điện tử
Hàng trăm câu hỏi của doanh nghiệp đã gửi đến Cục thuế TP.HCM liên quan tới các vấn đề mẫu biểu, cách thức kê khai tờ khai khi thực hiện quyết toán thuế, hóa đơn điện tử, chính sách giãn, giảm, gia hạn nộp thuế…
Trước những khó khăn liên quan đến liên quan đến việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp, mới đây, Cục Thuế TP.HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp - chính quyền thành phố” nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc này.
KÊ KHAI THUẾ ĐIỆN TỬ VẪN PHẢI ĐẾN GẶP CƠ QUAN THUẾ
Việc khai thuế điện tử đã tạo thuận lợi doanh nghiệp rất nhiều trong các kỳ kê khai và nộp báo cáo thuế gần đây. Tuy nhiên, khi thực hiện kê khai, nhiều doanh nghiệp vẫn vướng khi phần mềm hệ thống hỗ trợ kê khai báo lỗi do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Thương mại FK (quận 7) cho biết, năm 2022, công ty đã lập và nộp xong hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm 2021 đúng quy định. Nhưng phát hiện có sai sót trong kê khai thuế thu nhập cá nhân quý 4/2021 (nhưg không làm thay đổi nghĩa vụ thuế). Theo Thông tư 80 (ngày 29/9/2021) của Bộ Tài chính, công ty đã khai bổ sung tờ khai quý 4/2021, nhưng khi chọn thời gian điều chỉnh là quý 4/2021 thì phần mềm thông báo: “Tờ khai có hiệu lực từ quý 1/2022”. Khi kê khai theo Thông tư 92 (năm 2015) thì bị lỗi không nộp được.
Theo ông Hoàng Xuân Nam, Cục Thuế TP.HCM , hiện tại ứng dụng hỗ trợ kê khai vẫn còn cập nhật theo Thông tư 92 đối với những kỳ khai thuế trước ngày 01/01/2022. Đối với những kỳ kê khai trước ngày 01/01/2022 (kể cả khai bổ sung) thì lựa chọn theo mẫu biểu của Thông tư 92, còn điều chỉnh bổ sung kỳ khai thuế từ 01/01/2022 thực hiện theo mẫu biểu của Thông tư 80. Trường hợp của công ty FK đã lập đúng hồ sơ theo Thông tư 92, nhưng gửi qua mạng bị từ chối. Công ty liên hệ trực tiếp bộ phận kê khai kế toán thuế để được hỗ trợ.
Trường hợp của Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi - quận 1) đã được cấp mã số thuế, nhưng nhiều lần hàng hóa đã chất lên xe, dữ liệu hóa đơn gửi đến cơ quan thuế từ sáng nhưng đến chiều mới được cấp mã, thậm chí có trường hợp tối mới có mã nên xe không chở hàng đi được.
Ngoài ra, khi áp dụng hóa đơn điện tử rằng, trên chỉ số hóa đơn điện tử buộc phải gồm 8 con số, khi công ty xuất hóa đơn đầu tiên ghi 7 số 0 và số 1 thì khách hàng không đồng ý thanh toán với lý do Thông tư số 78 (năm 2021) của Bộ Tài chính quy định không có các số 000 phía trước và đề nghị công ty phải cam kết việc thể hiện hóa đơn 8 số thì người mua hàng mới thanh toán tiền.
Bà Hà Thái Hạnh, Phó Trưởng Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM , cho biết việc bị chậm cấp mã do nhà cung cấp dịch vụ khiến dữ liệu bị lỗi. Nếu ai gặp trường hợp như thế thì có thể gọi số (024) 33599333 để được hỗ trợ kiểm tra. Đối với việc có nhiều số “0” phía trước không ảnh hưởng đến nội dung số thứ tự nên yêu cầu bên thanh toán phải thanh toán tiền.
Thắc mắc vì khai sai thuế, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho hay, tháng 02/2022, Công ty xuất hoá đơn với thuế suất 8% (áp dụng Thông tư 32). Cuối tháng 4/2022, Công ty phát hiện bị sai thuế suất, thuế suất đúng là 10%. Công ty đã chuyển sang khai thuế theo Thông tư 78. Vậy có được chấp nhận không?
Đại diện Cục Thuế TP.HCM , bà Hà Thái Hạnh cho biết, hoá đơn đã lập theo thông tư 32, phát hiện bị sai và chuyển sang lập hoá đơn theo Thông tư 78 (công ty thực hiện lập hoá đơn thay thế theo quy định tại Khoản 6, Điều 12). Trên hoá đơn phải ghi rõ hoá đơn này thay thế cho hoá đơn đã lập theo ngày/tháng/năm… Do hoá đơn của Thông tư 78, cơ quan thuế chưa có đường dữ liệu, khi công ty lập hoá đơn thay thế nhưng vẫn gửi mẫu 04 (sai sót) đến cơ quan thuế. Đồng thời, người mua – người bán phải lập biên bản thoả thuận điều chỉnh, nêu rõ lý do sai sót.
“ BÓC TÁCH” MẶT HÀNG TÍNH THUẾ GTGT 8%
Việc áp dụng giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) một số mặt hàng từ 10% xuống 8% trong thời gian từ tháng 02/2022 đến hết năm 2022, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu tính thuế. Vì sản phẩm là tổng hợp những nguyên liệu đầu vào, có nguyên liệu được giảm thuế GTGT, nhưng có nguyên liệu không được giảm… Như vậy, thuế suất thuế GTGT tính cho sản phẩm là 8% hay 10%?
Chẳng hạn, công ty hoạt động về in ấn, theo Nghị định 15 (năm 2022) của Chính phủ thuộc đối tượng hưởng thuế suất 8%. Sản phẩm backdrop của công ty (có sử dụng nguyên liệu sắt thép bị thuế GTGT 10%) nên công ty xuất hoá đơn tính thuế GTGT 10%. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý, vì cho rằng backdrop được tính thuế GTGT 8%. Công ty áp dụng thuế GTGT mức nào?
Ông Trần Minh Quốc, Phó Trưởng Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM , cho biết dịch vụ in ấn (mã số 5811219), theo Nghị định 15 được tính thuế GTGT 8%, nhưng nguyên liệu đầu vào của sản phẩm là sắt thép, mực in… lại tính thuế GTGT 10%. Nếu sản phẩm đầu ra được tính thuế GTGT 8% không ảnh hưởng về thuế, khoản chênh lệch sẽ được kê khai khấu trừ.
Còn đại diện Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hưởng Thanh Bình (quận Bình Tân) cho biết, công ty thuộc ngành xây dựng, khai và đóng thuế GTGT vãng lai 2% được cộng vào thuế GTGT được trừ, trước đây nếu liên tục 3 tháng có số thuế GTGT được trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế. Nay không được hoàn mà vẫn phải nộp thuế GTGT vãng lai 2%.
Nguyên nhân, từ tháng 02/2022, nhà nước giảm thuế suất một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng trong đó có xây dựng, nhưng bất hợp lý là nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng đến 80% là hàng có thuế suất 10% (như sắt, thép, tôn, hóa chất, sơn…), nhưng đầu ra thì phải xuất hóa đơn với thuế suất chỉ 8%, sẽ bị tồn thuế GTGT 2%. Trong khi đó, muốn khấu trừ thì phải qua đầu năm 2023 mới được khấu trừ, khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn.
Đại diện Công ty kiến nghị, nếu không cho công ty hoàn thuế thì miễn nộp thuế vãng lai và việc kích cầu thì nên đồng bộ, nếu đầu vào 10% mà đầu ra 8% thì công ty phải chịu đựng 2%, làm cho tình hình tài chính công ty rất khó khăn.
Trả lời doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM , thừa nhận đó là đặc thù của ngành xây dựng. Từ đầu năm 2022, thuế suất của thuế vãng lãi đã giảm còn 1%. Cơ quan thuế rất mong tiếp thu toàn bộ ý kiến của doanh nghiệp và sẽ báo cáo cấp trên để trong thời gian có ý tưởng điều chỉnh chính sách thuế sao cho phù hợp với thực tiễn.
Mộc Minh
VnEconomy