Doanh nghiệp “co kéo” duy trì việc làm cho lao động
Trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu sụt giảm, doanh nghiệp Việt đang nỗ lực duy trì việc làm cho công nhân.
20.000 công nhân công ty PouYuen Việt Nam chấp thuận giảm giờ làm
Vài tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó bởi đơn hàng cuối năm về ít hơn mọi khi, chủ yếu là ở các ngành chế biến gỗ, da, giày, dệt may... Mới đây nhất, Công ty Pouyuen Việt Nam - doanh nghiệp có đông công nhân nhất TP Hồ Chí Minh với hơn 53.000 người lao động, đưa ra thông báo sẽ cho công nhân nghỉ luân phiên, do đơn hàng cuối năm không như kỳ vọng. Để hỗ trợ và giữ chân lao động, doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều chính sách phúc lợi.
Theo thông báo của công ty, do tình hình đơn đặt hàng ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, sẽ có khoảng 20.000 công nhân, tức 30% số lao động ở nhà máy này sẽ thoả thuận về thời gian làm việc tại nhà máy. Thời gian áp dụng từ đầu tháng 12 đến 20/2/2023. Trong khoảng thời gian này, công nhân sắp xếp nghỉ tổng cộng 14 ngày.
Với cam kết không cho người lao động thôi việc, nghỉ việc trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, phía công ty sẽ chi trả tiền lương cho ngày nghỉ luân phiên là 180.000 đồng/ngày. Các ngày nghỉ của công nhân chủ yếu bố trí vào ngày cuối tuần. Theo doanh nghiệp, đây là biện pháp tình thế, hạn chế tối đa việc cho công nhân ngừng việc cuối năm, cũng là cách doanh nghiệp ổn định sản xuất, giữ chân người lao động.
Doanh nghiệp nỗ lực giữ chân người lao động
Báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, do biến động thị trường, hơn 50.000, người lao động của TP bị ảnh hưởng, phải giãn việc hoặc làm việc luân phiên… như trường hợp Công ty Pouyuen. Con số này xấp xỉ khoảng 2% số lao động trên địa bàn.
Để duy trì lượng lao động ổn định khi thị trường sáng sủa trở lại, nhiều doanh nghiệp chủ động chia sẻ khó khăn với công nhân, thỏa thuận trả lương trong thời gian nghỉ giãn việc dựa trên tình trạng thực tế của doanh nghiệp.
Tăng cường tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á… Công ty CP Tập đoàn Gia Định cũng chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Thời gian trống, người lao động còn được đào tạo tay nghề.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết: "Mặt hàng truyền thống của chúng tôi là giày da nữ thời trang nhưng hiện giờ đã chuyển sang làm cả giày thể thao. Để làm sao có nhiều đơn hàng, đa dạng hoá mặt hàng, có hàng cho người lao động làm việc".
Giãn việc chứ không để công nhân mất việc, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân. Doanh nghiệp cải tiến liên tục để tăng năng suất, tiết giảm chi phí, sắp xếp linh hoạt, đặc biệt, mở rộng và tăng cường thị trường bán lẻ trong nước.
"Hiện tại chúng tôi vẫn duy trì số lao động như cũ nhưng giảm bớt giờ làm đồng thời tìm kiếm khách hàng mới để bù vào doanh thu sụt giảm, cũng như tăng cường bán lẻ nội thất cho thị trường trong nước để duy trì việc làm cho người lao động", ông Lim Hong Jin - Tổng Giám đốc Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cho hay.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean nói: "3 tháng rồi nếu không có nhãn hàng trong nước thì công nhân của chúng tôi phải nghỉ việc nhiều hơn. Chúng tôi hưởng ứng phong trào người Việt dùng hàng Việt. Phối hợp với từng trung tâm thương mại để làm marketing để khách hàng hiểu về nhãn hàng của mình, có những chính sách ưu đãi phù hợp cho mùa mua sắm cuối năm".
TP Hồ Chí Minh hiện có 27 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, gần 2.800 công nhân phải ngừng công việc, chiếm 5% số lao động bị ảnh hưởng. Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, con số này đã ít hơn nhiều so với năm trước nhờ nỗ lực giữ chân công nhân của doanh nghiệp.
Giải quyết việc làm, chăm lo Tết cho người lao động
Các Sở, ngành, địa phương đang giám sát chặt chẽ biến động lao động trong các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tạo thêm việc làm mới, chăm lo Tết cho người lao động.
Theo thống kê từ đầu năm tới nay toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 200.000 lao động giảm giờ làm, từ giờ tới Tết có thể có 20.000 lao động mất việc. Hệ thống công đoàn cơ sở, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh này đang kết nối nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để giới thiệu cho người vừa mất việc có thể đi làm ngay lập tức.
Hơn 140 tỷ đồng cũng là kinh phí dự kiến của TP Hồ Chí Minh để chăm lo Tết cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Ngành chức năng cũng kết nối người lao động với hơn 40.000 vị trí việc làm những tháng cuối năm.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để giữ chân công nhân như đẩy mạnh đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... cũng là cách tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều biến động, thì trong nước, các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động nâng cao tay nghề, ổn định cuộc sống.
Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì cũng cần sự thấu hiểu, đồng hành từ phía người lao động. Với sự đồng hành này, doanh nghiệp sẽ có thể nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, còn người lao động tiến xa hơn trong công việc.