Doanh nghiệp chịu tác động nặng nề từ đại dịch càng nhanh chuyển đổi số

Chia sẻ Facebook
10/11/2022 14:33:00

Các địa phương, doanh nghiệp càng chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 thì càng nhanh chóng thay đổi nhận thức chuyển đổi số.

Đầu tư lớn, lợi nhuận thu được là bao nhiêu là vấn đề được không ít doanh nghiệp đặt ra khi cân nhắc, tính toán đầu tư chuyển đổi số . Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: nhận thức của doanh nghiệp SME về chuyển đổi số đã thay đổi theo hướng tích cực nhưng đầu tư cho chuyển đổi số cần nhiều chi phí khiến không ít doanh nghiệp băn khoăn về giá trị lợi nhuận thu được. Chưa tự tin tiếp cận chuyển đổi số là bởi các doanh nghiệp SME không biết bắt đầu chuyển đổi công nghệ từ đâu, thiếu công nghệ hỗ trợ, khó khăn tiếp cận tài chính…

Do vậy, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số bài bản. Các nền tảng số được doanh nghiệp SME sử dụng chủ yếu để tinh giản các chức năng, nhiệm vụ đơn giản như quản trị kinh doanh, bán hàng, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Dẫn khảo sát của Cisco năm 2021, ông Trần Minh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, có 18% doanh nghiệp SME nâng cấp hệ thống phần cứng, đầu tư vào hệ thống điện toán đám mây để đưa các sản phẩm dịch vụ lên môi trường số…

Để hỗ trợ các doanh nghiệp SME, các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai chuyển đổi số hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) và vận hành Cổng kết nối, tương tác, tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp SME tại địa chỉ: https://SMEdx.mic.gov.vn

“Trên Cổng thông tin này, Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu 30 nền tảng số xuất sắc trên các lĩnh vực để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và cam kết cung cấp từ 3 - 6 tháng miễn phí cho các doanh nghiệp SME có quy mô dưới 50 người. Các doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng số, không cần đầu tư vận hành mà chỉ cần trả tiền theo “thuê bao” hàng tháng vừa đơn giản, vừa bảo đảm an toàn thông tin” - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn thông tin.

Số lượng doanh nghiệp SME tiếp cận với nền tảng SMEdx đã tăng mạnh, từ 190.000 doanh nghiệp vào tháng 4/2022 đã tăng lên mức hơn 490.000 doanh nghiệp vào tháng 9/2022, tăng 250%.

Số lượng doanh nghiệp tiếp cận chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SME chuyển đổi số


Trong số các nhóm nền tảng xuất sắc của Chương trình SMEdx, nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp được các doanh nghiệp triển khai sử dụng nhiều (39,8%). Tiếp đến là nền tảng nhân sự, tổ chức (17%); nền tảng du lịch, khách sạn (16%); nền tảng hạ tầng công nghệ (14%), nền tảng kế toán tài chính (10%)…

Cũng theo ghi nhận từ nền tảng SMEdx, các tỉnh, thành phố lớn, doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng SMEdx khá cao như Hà Nội (34%), TP Hồ Chí Minh (32,7%), TP Đà Nẵng (11,5%), Cà Mau (7,5%), Bình Dương (2,5%). Một số địa phương có tỷ lệ tham gia thấp là Điện Biên, Hòa Bình, Tây Ninh, Hậu Giang.

Thống kê này cho thấy, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số đều rất cao. Đây cũng là nơi tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp SME, được tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số riêng của từng địa phương. Chẳng hạn như Hà Nội đã dành hơn 315 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó, ngân sách thành phố chi hơn 195 tỷ đồng, còn lại doanh nghiệp đóng góp và huy động từ các nguồn khác.

Ngược lại, các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn gặp nhiều trở ngại trong công tác hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận các nền tảng số; trong đó chủ yếu là nhận thức và năng lực của doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp tại các địa phương trên chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ số; chưa hình dung và nhận thức được các thay đổi sẽ tác động như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp nên cần nhiều thời gian hơn để quyết định thực hiện có chuyển đổi số hay không.

Chia sẻ Facebook