Doanh nghiệp chỉ hài lòng mức “trung bình” về cơ chế một cửa quốc gia

Chia sẻ Facebook
03/11/2022 15:54:15

Những cải cách và nỗ lực về Cơ chế một cửa quốc gia đã được doanh nghiệp ghi nhận, song chỉ ở mức trung bình, và có đến 59% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện.

Báo cáo vừa được công bố sáng 3/11 của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cần phải có cơ chế minh bạch và trao đổi thông tin rõ ràng hơn để cải thiện hoạt động tạo thuận lợi thương mại thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia (MCQG) của Việt Nam.

Báo cáo trình bày chi tiết các phát hiện từ "Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế MCQG và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2022 (Khảo sát MCQG 2022).

Cuộc khảo sát được thực hiện với 2 phần nội dung chính, đối với nội dung khảo sát việc thực hiện thủ Một tục hành chính trên Cổng thông tin MCQG, tính đến tháng 04/2022, có 12 thủ tục hành chính của 5 Bộ, ngành đang được thực hiện; Việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành được khảo sát chung với các thủ tục của 10 Bộ quản lý chuyên ngành.

Giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí

Cơ chế MCQG của Việt Nam cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Tính đến ngày 17/10/2022, Cơ chế MCQG đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.

Đại diện nhóm nghiên cứu công bố báo cáo, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng Ban pháp chế VCCI, cho biết có 10/12 thủ tục khi thực hiện trên Cổng thông tin MCQG giảm thời gian thực hiện từ 26 - 54% so với thực hiện thủ tục theo phương thức truyền thống, bằng việc đến nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan nhà nước. Đáng chú ý, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất công nghiệp giảm hơn một nửa thời gian thực hiện.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Hồng.

Về chi phí, ông Thạch đánh giá việc triển khai Cơ chế MCQG đã giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp ở hầu hết các thủ tục so với phương thức truyền thống. Theo đó, có 10/12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua cơ chế một cửa quốc gia, chi phí thực hiện thủ tục giảm từ 148.000 đồng/thủ tục đến 3.845.000 đồng/thủ tục. Thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế đã giảm nhiều chi phí nhất.

Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó

Đánh giá về thủ tục này ở góc độ đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) phát biểu: “Chúng tôi rất trông đợi vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số và kiểm tra chuyên ngành. Nhưng theo báo cáo này, các doanh nghiệp đánh giá mức độ dễ khi thực hiện thủ tục trên MCQG chỉ từ 40% đến 60% là chính, rất ít con số vượt trên 70%”.

“Bên cạnh đó, đến 59% doanh nghiệp trả lời là gặp khó ở ít nhất một thủ tục hoặc quy trình. Vậy nên, tôi nghĩ rằng những cải cách và nỗ lực về Cơ chế MCQG đã được ghi nhận, tuy nhiên chỉ dừng mức trung bình”, ông Nam nhận định.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) thấy rằng doanh nghiệp đã đánh giá khá tích cực trong việc cải thiện các nền tảng trên cơ sở Cổng thông tin MCQG.

Bà Thảo cho rằng, khi so sánh về chi phí và thời gian kỳ điều tra này với kỳ điều tra năm 2019, chúng ta thấy rằng đã có sự cải thiện tích cực về cả thời gian và chi phí. Tuy nhiên, so với hình thức thủ tục hành chính thủ công lẽ ra thời gian và chi phí phải giảm đi, song, trong kết quả khảo sát của VCCI, vẫn có một số thủ tục, chi phí và thời gian chưa được giảm. Vậy nên vấn đề đặt ra ở đây là, những thủ tục trên Cơ chế MCQG chưa hoàn thiện và vẫn còn nhiều dư địa cho việc cải thiện cơ chế này.

Do đó, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, để nâng cao hiệu quả Cơ chế MCQG và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên ra soát, cắt giảm, đơn giản hóa và áp dụng số hóa triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.


“Việc sớm có cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng yêu cầu thông tin không cần thiết đối với các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu”, ông Phòng kết luận .


Thanh Hồng - Tú Anh

Chia sẻ Facebook