Doanh nghiệp chế biến chế tạo gặp khó vì cắt điện liên tục
“Thiếu năng lượng” là yếu tố biến động nhiều nhất trong số các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế biến chế tạo.
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2023 và dự báo quý III/2023 được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê với 5.635 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia trả lời.
Tồn kho tăng cao
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2023 khởi sắc hơn quý I/2023 với 64,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động, 35,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động khó khăn hơn.
Dự báo quý III/2023 khả quan hơn quý II/2023 với 72,6% doanh nghiệp đánh giá; 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, kết quả khảo sát quý II/2023 có 65,1% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý I/2023 (28,9% tăng, 36,2% giữ nguyên), 34,9% doanh nghiệp đánh giá giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất đồ uống có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất quý II/2023 so với quý I/2023 tăng cao nhất với 47,1%. Ngược lại, ngành sản xuất trang phục có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất với 41,5%.
Khối lượng sản xuất quý III/2023 so với quý II/2023 khả quan hơn với 74,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (34,3% tăng, 39,8% giữ nguyên), 25,9% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Về tồn kho thành phẩm, theo kết quả khảo sát, có 20,8% doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý II/2023 tăng so với quý I/2023; 49,5% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 29,7% đánh giá giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất đồ uống có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý II/2023 so với quý I/2023 tăng cao nhất với 32,4%, ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý II/2023 so với quý I/2023 giảm nhiều nhất với 35,1%.
Dự báo quý III/2023 so với quý II/2023, có 16,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm tăng; 53,8% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho thành phẩm; 29,8% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm.
Về tồn kho nguyên liệu, cơ quan thống kê cho biết có 69,4% doanh nghiệp nhận định tồn kho nguyên vật liệu quý II/2023 so với quý I/2023 tăng và giữ nguyên (18,0% tăng, 51,4% giữ nguyên), 30,6% doanh nghiệp nhận định giảm.
Dự báo quý III/2023 so với quý II/2023, có 15,1% doanh nghiệp đánh giá khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng, 54,8% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 30,1% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu.
Thiếu điện là yếu tố biến động lớn nhất
Theo đánh giá chung của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2023, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp với tỉ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 55,5% và 47,2%.
Đáng chú ý, việc cắt điện luân phiên tại một số địa phương phía Bắc đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thể hiện qua yếu tố “thiếu năng lượng” trở thành lựa chọn của nhiều doanh nghiệp với 8,5% doanh nghiệp lựa chọn, tăng 7,1% so với quý trước.
Quý II/2023 cũng là quý đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công suất máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90% đạt dưới 40%.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các tháng tiếp theo, các doanh nghiệp kiến nghị đảm bảo ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất liên tục, không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Ngoài ra, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kịp thời và hiệu quả hơn .