Doanh nghiệp cần làm quen với “văn hóa” sử dụng trọng tài thương mại

Chia sẻ Facebook
05/03/2023 13:47:36

Trọng tài thương mại đã mang lại nhiều lợi ích, tuy vẫn còn một vài hạn chế cần điều chỉnh để nâng cao sức hấp dẫn hơn nữa đối với các doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây việc sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp thương mại ngày càng phổ biến tại Việt Nam, thể hiện không chỉ qua số lượng các vụ tranh chấp được giải quyết mà còn qua sự đa dạng của các lĩnh vực tranh chấp.

Theo thống kê sơ bộ, trong 10 năm (từ 2011-2020) kể từ khi Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực, các Trung tâm trọng tài trong cả nước đã giải quyết được hàng nghìn vụ tranh chấp. Không những số lượng vụ việc trọng tài thụ lý tăng lên mà các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

Xu thế ngày càng phổ biến


Trao đổi với Người Đưa Tin từ góc độ vận dụng thực tế, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng việc nảy sinh các tranh chấp trong hoạt động thương mại, đầu tư là việc thường xuyên xảy ra, kể cả những tranh chấp đến từ việc không tuân thủ cam kết cho đến những lý do khách quan không mong muốn.

“Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, khi có tranh chấp các bên sẽ tiến hành thương lượng, hòa giải, nếu không được việc sử dụng trọng tài sẽ được ưu tiên hơn cả chứ không phải tòa án, người ta chỉ đưa nhau ra tòa nếu không thể giải quyết được bằng trọng tài. Do đó việc các doanh nghiệp vận dụng trọng tài thương mại là cần thiết để nâng cao khả năng pháp lý nhất là khi chúng ta đẩy mạnh các hoạt động kinh tế quốc tế”, ông Hiệp nói.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Chủ tịch VLA cũng cho biết hiểu biết của các doanh nghiệp nói chung về trọng tài thương mại ngày càng lớn. Bên cạnh đó, năng lực giải quyết tranh chấp tốt làm cho niềm tin của doanh nghiệp vào trọng tài cũng ngày càng cao hơn.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhấn mạnh việc sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp thương mại đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp.

“Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, thường xuyên tương tác với các đối tác nước ngoài có sự khác biệt về thực hành cam kết, việc hiểu khác nhau về các vấn đề pháp lý, nảy sinh những tranh chấp không mong muốn khi tham gia vào hợp đồng logistics là điều dễ hiểu.

Chưa kể, lĩnh vực hàng hải bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như thiên nhiên, thời tiết, thiên tai,… càng khiến dễ phát sinh những vấn đề liên quan đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các bên. Do đó hoạt động trọng tài thương mại đóng vai trò quan trọng nhằm kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, không mong muốn”, ông Trung chia sẻ.

Theo Phó Tổng Giám đốc VIMC, việc phát triển hoạt động trọng tài thương mại cũng là xu hướng tất yếu khi Việt Nam là thành viên hoặc đang trong quá trình đàm phán nhiều hiệp định đầu tư song phương, hiệp định thương mại tự do, trong đó đa phần đều có điều khoản giải quyết tranh chấp đầu tư bằng trọng tài.

Do đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải làm quen với “văn hóa” sử dụng trọng tài như là phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu của đối tác, nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường hiệu quả của đầu tư và các hoạt động thương mại.

Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Với công việc thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt pháp lý trong đó có việc sử dụng trọng tài thương mại, ông Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích, thuận lợi khi giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại.

Trước hết, sử dụng trọng tài thương mại tiết kiệm thời gian mà thời gian là tiền bạc của doanh nghiệp. Theo đó, trọng tài thương mại không xét xử nhiều cấp (sơ thẩm, phúc thẩm), phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và có tính chất bắt buộc các bên phải thực hiện.

Các bên cũng có quyền lựa chọn Trọng tài viên dựa trên sự phù hợp về lĩnh vực tranh chấp, do đó càng đảm bảo tính chuyên sâu về nghiệp vụ trong việc giải quyết tranh chấp.

Doanh nghiệp cũng được chủ động về địa điểm giải quyết tranh chấp trên cơ sở thỏa thuận, không nhất thiết phải giải quyết tranh chấp tại trụ sở chính của tổ chức trọng tài. Điều này cũng góp phần giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

“Có một điều mà nhiều người vẫn lầm tưởng, đó là hiệu lực của phán quyết trọng tài. Dù trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp luôn đề cao tinh thần tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài, nhưng vẫn có biện pháp tương tự như toà án để đảm bảo thi hành phán quyết. Đó là, cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế thi hành phán quyết trọng tài giống như cưỡng chế đối với bản án của tòa án. Điều này có nghĩa là, bản án hay phán quyêt trọng tài đều được thi hành tại cùng một cơ quan thi hành án nếu không tự nguyên thi hành bản án hay phán quyết trọng tài”, ông Ngô Khắc Lễ giải thích.

Phó Tổng thư ký VLA cũng cho biết các bên thường mong muốn sử dụng trọng tài bởi tính linh hoạt, thân thiện của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp. Chẳng hạn như việc các bên có thể ngồi để trình bày sự việc, nếu bận, có thể đề nghị hoãn, thay đổi lịch xét xử miễn là không lạm dụng kéo dài thời gian.

Tuy nhiên, ông Ngô Khắc Lễ cho biết, thực trạng trọng tài thương mại Việt Nam vẫn có những bất cập cần điều chỉnh để nâng cao sức hấp dẫn hơn nữa của hoạt động trọng tài, trong đó cần thiết việc sửa đổi Luật TTTM. Có khá nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, trong đó ông Lễ nêu ra một số vấn đề.

Cụ thể, hiện nay Luật Trọng tài thương mại chưa có quy định chế tài nếu các bên không cung cấp tài liệu, chứng cứ đúng thời hạn mà Hội đồng Trọng tài yêu cầu, phần nào gây khó khăn trong việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp; không công bằng với bên thực hiện nghiêm túc yêu cầu này. Điều này khác hẳn với một số tổ chức trọng tài nước ngoài. Nộp quá hạn là không được xem xét, coi như không có những tài liệu, chứng cứ ấy.

Ông Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

“Thực tiễn có nhiều phiên họp giải quyết tranh chấp không thể tuyên là phiên họp cuối cùng, phải mở thêm phiên khác chỉ vì việc nộp tài liệu, chứng cứ mới, quan trọng ngay tại phiên họp làm cho phía bên kia không thể xem xét hồ sơ đầy đủ, dễ dẫn đến việc xin hoãn. Vì vậy, luật cần có chế tài như trình bày ở trên để phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”. ông Lễ dẫn chứng và đề xuất.


Đặc biệt, Phó tổng thư ký hiệp hội cũng cho rằng cần sửa đổi theo hướng hội đồng trọng tài có quyền quyết định giải quyết tranh chấp trực tuyến (online) để phù hợp với thực tế của thời đại kinh tế số và tiết kiệm chi phí, thời gian. Theo luật hiện hành, chỉ cần một bên không đồng ý xét xử trực tuyến là tốn thêm bao nhiêu là thời gian, chi phí đi lại… cho tất cả .

Chia sẻ Facebook