Doanh nghiệp cần biết xây dựng thương hiệu cho chính mình
Bà Đặng Thúy Hà – Giám Đốc Nielsen Miền Bắc đưa ra khuyến nghị nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu.
Ngày 23/11, Diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu” do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn bàn sâu các vấn đề về cơ hội và thách thức trong thúc đẩy kết nối cung – cầu; đánh giá, nhận định các định hướng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương;
Đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với khó khăn, đồng thời tận dụng cơ hội trong thời gian tới, đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu, tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ngân hàng “đỏ mắt” đi tìm doanh nghiệp để đầu tư
Nói về những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong kết nối cung - cầu, TS. Vương Quang Lượng – Trưởng phòng Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, kết nối cung - cầu tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ, từ đó có điều kiện để cải tiến công nghệ sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hoá.
Tiếp đó là góp phần giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường. Bao gồm thị trường nguồn cung và tiêu thụ. Đồng thời, kết nối cung - cầu cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu của mình, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn.
Tuy nhiên, kết nối cung cầu cũng tạo ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp. Cụ thể, ông Lượng chỉ ra, đó là áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh mở cửa hội nhập. Tiếp đó là áp lực cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải vượt qua rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, theo Ông Đoàn Mạnh Trường – Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Cục Công Thương địa phương cho biết, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của khủng hoảng, tình hình kinh tế thế giới rất khó khăn, rơi vào suy thoái, lạm phát trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước ta, dẫn đến sức mua suy giảm nghiêm trọng.
Đặc biệt, đã làm cho chi phí, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào liên tục tăng cao; sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, hàng hóa tồn kho nhiều;
Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản xuất cầm chừng, đình trệ, giải thể, phá sản, đăng ký ngừng hoạt động…
Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đến nay cả nước có khoảng 850.000 doanh nghiệp, trong đó thành lập mới là 183.600 doanh nghiệp tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Phá sản, ngừng hoạt động khoảng 146.600 doanh nghiệp, bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo bà Đặng Thúy Hà – Giám Đốc Nielsen Miền Bắc, thực trạng mà một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh hiện nay đang gặp phải như: Hàng tồn kho vì sản phẩm không được tiêu thụ như kỳ vọng; Sản phẩm chỉ bán được ở một số khu vực;
Người tiêu dùng quan tâm đến sức khoẻ nhưng nghi ngờ chất lượng hàng nội địa; Giải cứu hàng hoá trở thành “bình thường” vì không thông thương hay người tiêu dùng đã chuyển dịch kênh mua sắm mà doanh nghiệp chưa triển khai kịp.
Không chỉ vậy, việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp cũng vấp phải nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay, tuy nhiên, doanh nghiệp cần thì không đủ điều kiện, còn doanh nghiệp đủ điều kiện lại không vay.
Ngay từ đầu năm 2023 tới nay, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, 2 năm đại dịch Covid đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, doanh nghiệp dồn hết nguồn lực để hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương người lao động, trả các chi phí, tiền thuê mặt bằng. Đến bây giờ không còn khả năng chống đỡ, không còn nguồn lực, không thể đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn mà ngân hàng đề ra.
Theo ông Hùng, ngân hàng hiện nay “đỏ mắt” đi tìm doanh nghiệp để đầu tư. Trong khi, doanh nghiệp muốn huy động vốn từ ngân hàng lại rất khó, do cơ cấu nợ, điều chỉnh nợ, mối vay mới, nợ vẫn còn không trả được, tài sản đảm bảo ko còn, các nguồn đổ vào sản xuất kinh doanh không ổn định, xuất nhập khẩu bấp bênh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Doanh nghiệp cần tìm "đại dương xanh" cho mình với những câu hỏi lớn
Trong khuôn khổ diễn đàn, chia sẻ về giải pháp đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu đối với doanh nghiệp, ông Vương Quang Lượng cho rằng, doanh nghiệp cần không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng cạnh tranh cho sản phẩm thông qua việc đầu tư, đổi mới và ứng dựng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Tích cực tham gia xúc tiến thương mại quốc gia nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường;
Chú trọng nâng cao vị thể doanh nghiệp thông qua việc hợp tác, tăng cường sự tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp trong nước để tạo lập chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ hàng hoá bền vững. Tạo sự liên kết trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; Phát triển thương mại điện tử, coi đây là giải pháp ưu tiên, đột phá trong vấn đề kết nối cung cầu.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công tác xúc tiến thương mại, đòi hỏi có kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán, đặc biệt có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng, cập nhật công nghệ tiên tiến để thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, bền vững, chuyên nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hành chính sách an sinh xã hội, công tác quản lý thị trường.
Bà Đặng Thúy Hà – Giám Đốc Nielsen Miền Bắc phát biểu tại diễn đàn.
Theo bà Đặng Thúy Hà, doanh nghiệp cần tìm đại dương xanh cho mình với những câu hỏi lớn. Về sản phẩm: Sản phẩm nào cần phát triển theo xu hướng tiêu dùng? Đâu là cơ hội để tăng trưởng doanh thu cho sản phẩm của doanh nghiệp?
Về đối tác và kênh bán: Cách tìm đối tác trong nước và nước ngoài? Các kênh kết nối? Cách tiếp cận và bán hàng hiệu quả? Về thương hiệu: Có cần chiến lược khác biệt hóa thương hiệu? Xây dựng câu chuyện thương hiệu như thế nào?
Bà Hà đưa ra một số giải pháp đối với doanh nghiệp như chú ý đến bài toán giá cả - giá trị mà người tiêu dùng đặt ra cho doanh nghiệp; cải tiến sản phẩm theo mong muốn của người tiêu dùng; hiểu biết về tính mùa vụ, các dịp đặc biệt để đẩy mạnh doanh thu.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần biết xây dựng thương hiệu cho chính mình. “Đo lường sức khoẻ thương hiệu để biết thương hiệu đang ở đâu là điều cần thiết. Trong thời điểm khó khăn, trở nên gần gũi và thấu hiểu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội phát triển”, bà Hà nhấn mạnh.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Đoàn Mạnh Trường, t rong thời gian tới, để đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa và phát triển thị trường, các cơ quan quản lý cần cần đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc xây dựng nhãn hiệu, bao bì, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết hợp với xu thế phát triển của thương mại điện tử.
Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nghiên cứu thay đổi hình thức tổ chức kết nối cung cầu cho phù hợp, trong đó hội nghị kết nối cung cầu nên có nội dung tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu,.. .
Thu Hương