Doanh nghiệp BOT lo mất quyền lợi, Bộ GTVT “chốt” hạn chót thu phí không dừng
Sau hơn 2 năm thực hiện thu phí không dừng “ì ạch” vì nhiều nguyên nhân, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản chỉ thị Tổng cục Đường bộ yêu cầu thu phí không dừng đối với tất cả các tuyến cao tốc hạn cuối thực hiện vào ngày 31/7.
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dự kiến thu phí cao nhất hơn 430.000 đồng
Theo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và các doanh nghiệp quản lý trạm thu phí cần hoàn thành việc triển khai hệ thống thu phí không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc với hạn chót là vào ngày 31/7, còn các dự án đường bộ khác có trạm BOT cần hoàn thành trước ngày 30/6.
Bộ này cho hay trong trường hợp các doanh nghiệp chậm thực hiện triển khai hệ thống thu phí không dừng sẽ có thể đối mặt việc bị ngừng cho phép thu phí.
Với các dự án BOT đường bộ khác, kể cả các dự án do địa phương quản lý, Bộ GTVT cho biết chỉ để lại 1 làn thu phí hỗn hợp, còn lại sẽ là làn ETC và hạn chót thực hiện vào cuối tháng 6 này.
Tính tới hết tháng 5 vừa qua, cả nước đã có gần 3 triệu ôtô dán thẻ trả phí tự động (chiếm hơn 65% tổng ôtô đang lưu hành). Tuy vậy, toàn quốc vẫn còn 48 làn thu phí tại các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý và 52 làn tại các dự án do địa phương quản lý chưa thực hiện lắp đặt thu phí tự động.
Về phía doanh nghiệp, một số trạm BOT có doanh thu thu phí đạt thấp, có nhiều trạm bị người dân phản đối nên phải dừng. Do đó, các doanh nghiệp không muốn đầu tư thêm hệ thống thu phí không dừng và phải trích lại phí cho đơn vị thu, mức phí từ 2% đến 7% doanh thu tùy thuộc lưu lượng xe và chi phí đầu tư, theo báo Vnexpress.
Mặt khác, một trong những nguyên nhân được cho là do các nhà đầu tư BOT không muốn thực hiện vì họ không muốn phải minh bạch doanh số thu phí. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là sự độc quyền trong việc thực hiện thu phí ETC, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đưa tin.
Nếu triển khai thu phí ETC thì nhà đầu tư BOT sẽ giao toàn bộ quyền thu phí cho Công ty TNHH Thu phí tự động VETC. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra làm dự án, song lại giao cho một công ty khác quản lý nên nhiều nhà đầu tư BOT cảm thấy có rủi ro.
Ngoài ra, thời gian vận hành vừa qua, hệ thống ETC vẫn tồn tại một số lỗi gây bất tiện như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền hoặc tài khoản bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, thậm chí có xe không lưu thông vẫn bị trừ tiền. Hôm 24/4, cáp quang nội bộ truyền dữ liệu thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bị đứt nên xe dán thẻ phải xếp hàng 2-3 km chờ trả tiền qua trạm.
Tiến Minh
Bộ GTVT tiếp tục xin Quốc hội dùng ngân sách mua lại dự án BOT 'bất cập'
Bộ GTVT cho hay loạt các trạm BOT bất cập chiếm 21/63 dự án BOT. Hiện còn 4 trạm vượt thẩm quyền của Bộ, 3 trạm bị phá vỡ phương án tài chính.