Doanh nghiệp bất động sản làm gì để “tự cứu lấy mình” trong bối cảnh thị trường gặp khó?

Chia sẻ Facebook
05/12/2022 07:57:26

Chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang có nhiều khó khăn. Song, các doanh nghiệp bất động sản phải tự cứu lấy mình bằng cách, tập trung nguồn lực vào các dự án trọng điểm, định vị lại phân khúc thị trường, đẩy mạnh những sản phẩm có giá trung bình phục vụ nhu cầu thực.


Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, sụt giảm thanh khoản đến từ việc thiếu dòng tiền vào thị trường. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản (VARS) cho biết, kể từ năm 2018 đến nay, chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản, đặc biệt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp bất động sản.

“Ngoài 20% khoản tiền mặt phải có sẵn để giải phóng mặt bằng, để tiếp tục triển khai dự án, nhà đầu tư vẫn phải đi vay. Trong hệ thống vay, ngoài số tiền của khách hàng, ứng tiền của các nhà cung cấp, nguồn vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản là hai kênh dẫn vốn quan trọng - mà hai kênh này, đang đồng loạt bị siết chặt. Nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải dừng, giãn, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì thanh khoản yếu”, vị chuyên gia phân tích.

Ông Đính cho biết, nhiều dự án đã triển khai đầu tư phải dừng lại, đợi xử lý thủ tục. Nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ doanh nghiệp phá sản cao, nhất là doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Theo ông Đính, Việt Nam hiện chưa có hoặc chưa phát triển các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS), quỹ nhà ở,... nên vẫn bị phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.

Không chỉ nhà đầu tư bị ảnh hưởng, ngay cả khách hàng có nhu cầu mua bất động sản bị “làm khó” bởi chính sách tín dụng từ các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn, điều kiện giải ngân khó hơn.

“Vì vậy, nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng cho vay mua nhà, thì đầu ra thị trường sẽ càng đi xuống, gây sụt giảm doanh số bán hàng cho doanh nghiệp bất động sản. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bất động sản không thu hồi được vốn, đồng nghĩa với việc không thể trả nợ ngân hàng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên rất cao, có thể đưa hệ thống tín dụng vào tâm thế khủng hoảng”, ông Đính nói.

Mặt khác, doanh nghiệp bất động sản suy yếu sẽ là thời cơ để nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" phần lớn cổ phần, dự án bất động sản với giá rẻ. Như vậy, thị trường bất động sản dễ bị đẩy vào sự kiểm soát của doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho rằng, trong quá khứ, khi thị trường bất động sản gặp khủng hoảng, những chủ đầu tư lớn hiện nay đều đã vượt qua và phát triển mạnh mẽ sau giai đoạn thanh lọc.

“Thời điểm này, các doanh nghiệp đã thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư, tập trung hóa nguồn lực, định vị lại phân khúc thị trường, tập trung vào những sản phẩm có giá trung bình phục vụ nhu cầu thực. Bên cạnh đó, họ chuẩn bị cho chu kỳ phục hồi mới bằng việc mở rộng quỹ đất liên tục. Đây là những biện pháp mà các doanh nghiệp, đặc biệt là những chủ đầu tư lớn có thể áp dụng trong giai đoạn hiện nay”, ông Khôi nói.

Ông Khôi cho rằng, trên thực tế, một số chủ đầu tư hiện nay đã và đang tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn ngoài tín dụng và trái phiếu, trong đó có huy động từ khách hàng bằng những chính sách ưu đãi như chiết khấu thanh toán nhanh. Hiện có những doanh nghiệp áp dụng chiết khấu lên đến 40 - 50% giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, có những chủ đầu tư lựa chọn hợp tác với các quỹ đầu tư quốc tế, chia nhỏ bất động sản ra để bán,…

Đồng quan điểm trên, ông Đính cho rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản trong những năm qua đầu tư quá dàn trải, không tập trung vào các dự án trọng điểm, sản phẩm mà đại đa số người có nhu cầu cần thiết.

“Các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cứu lấy mình. Nếu sản phẩm đang bán giá quá cao, xem xét có sự điều chỉnh để người dân tiếp cận được. Còn Chính phủ tháo gỡ cho thị trường sẽ đưa ra các chính sách, giải pháp, còn đáp ứng, xoay xở được đến đâu là ở phía doanh nghiệp”, vị chuyên gia nêu.

Theo ông Đính, với việc thành lập tổ công tác đặc biệt, sẽ cần thời gian để đưa ra những giải pháp cụ thể. Có thể, đến đầu năm tới, thị trường có những tháo gỡ nhất định.

Chia sẻ Facebook