Doanh nghiệp bất động sản “kêu cứu”, cuối năm “khát” vốn tín dụng
Các doanh nghiệp BĐS "kêu cứu" vì nguy cơ thiếu vốn đáo hạn trái phiếu, bị siết tín dụng ngân hàng, thị trường trầm lắng.
Tại cuộc họp tháo gỡ các khó khăn thị trường với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đề xuất loạt giải pháp gấp rút cuối năm như: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới trần “room” tín dụng thêm 1%; cho phép nhà đầu tư cá nhân phổ thông mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cấp nguồn vốn để bù lãi suất các dự án mua, thuê nhà ở xã hội, v.v…
NHNN bơm ròng hơn 8.700 tỷ đồng ngày 8/11; người dân đến SCB đòi tiền trái phiếu
Ngày 8/11 vừa qua, hai cuộc họp “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS” diễn ra cùng thời điểm tại Hà Nội và TP.HCM, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Lê Minh Khái tổ chức.
Do tính cấp thiết của thị trường, cuộc họp đã thu hút được nhiều lãnh đạo là Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn BĐS lớn ở Việt Nam, đồng thời cũng có sự góp mặt của đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA).
Theo đánh giá, thị trường bất động sản đang giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, chiếm khoảng 11% GDP cả nước.
Hiện nay, thị trường này đang gặp nhiều khó khăn, từ các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính đến khó khăn về dòng tiền, thời hạn đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, v.v…
Các vụ án rúng động thị trường liên quan đến Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát,… được cho là khiến doanh nghiệp BĐS càng rơi vào tình cảnh “khát” vốn tín dụng, một phần nữa là “room” tín dụng đã cạn đến cuối năm.
Do đó, doanh nghiệp BĐS phải chiết khấu cao cho các dự án tương lai, hoặc vòng qua vay ký quỹ chứng khoán để thu xếp vốn ngắn hạn giá cao,…
Tại cuộc họp nói trên, các doanh nghiệp tập trung đề nghị 3 giải pháp gấp rút để tiếp sức cho các doanh nghiệp BĐS, cũng như cứu thị trường những trong tháng cuối năm 2022:
Một là các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, NHNN xem xét nới trần “room” tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng. Việc này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.
Kế đến, một số đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định, đồng thời các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Thứ ba là các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được NHNN chỉ định để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Được biết, thông tin về hai cuộc họp trên đây đã tác động nhất định đến thị trường chứng khoán. Cụ thể, cuối phiên ngày 8/11/2022 đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm và quay đầu tăng nhẹ 6,46 điểm %. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index tăng 3,94 điểm, tương đương 0,4%, ghi nhận phiên phục hồi trọn vẹn thứ 2 liên tiếp. Tuy vậy, tổng mức khớp lệnh HoSE và HNX chỉ còn gần 8.407 tỷ đồng, chứng tỏ lượng tiền sẵn sàng vào thị trường vẫn duy trì ngưỡng rất kém.
Hương Mây
Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm là hơn 700.000 tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, năm 2022, số tiền đến hạn trả nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp lên đến 144.500 tỷ đồng. Trong đó bất động sản chiếm 43,2%.