Doanh nghiệp bất động sản đói vốn: Trái phiếu vẫn là sự lựa chọn khả dĩ nhất

Chia sẻ Facebook
21/08/2022 10:43:57

Sau vụ việc Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu bị chững lại, rất ít doanh nghiệp bất động sản có thể phát hành trái phiếu, điều này rất đáng lo ngại.

Doanh nghiệp “đói” vốn khi trái phiếu bị kiểm soát chặt

Phát biểu tại diễn đàn “Bất động sản 2022: Những vùng đất tiềm năng”, TS. Cấn Văn Lực chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng trái phiếu bất động sản sẽ gặp khó khăn khi Chính phủ, cơ quan quản lý chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn.

Trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát tương đối chặt chẽ sau một vài vụ việc gần đây, nên một phần vốn dồn sang phần tín dụng ngân hàng, bằng chứng là mức tăng hơn 9,3% nửa đầu năm nay - là mức tăng nóng.


Bổ sung cho vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT, CEO Fiin Group cho rằng hoạt động phát hành trái phiếu bất động sản tại Việt Nam đã giảm sút mạnh trong nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) được công bố gần đây về tình hình phát hành trái phiếu tháng 7/2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản trong tháng 7 chỉ có duy nhất một đơn vị phát hành trái phiếu.


Trong tháng 7, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An thuộc nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ, với giá trị phát hành 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Đây là công ty con của Tập đoàn Đất Xanh.

Riêng trong tháng 4, không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu. Tháng 5 và 6 doanh nghiệp bất động sản "tái xuất" trở lại. Tháng 5 phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong tháng 6, Vingroup dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng).

Như vậy, so với giá trị phát hành đạt 10.832 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhóm ngành bất động sản trong tháng 7 đã giảm 98%.

“Các doanh nghiệp bất động sản không có tiền để triển khai dự án đã đành, quan trọng hơn khi các doanh nghiệp này muốn đảo nợ của trái phiếu cũ cũng không có tiền. Trong khi đó, nợ trái phiếu đáo hạn cũng sắp đến rất nhiều, vậy nên sẽ có khá nhiều công ty bất động sản bị vỡ nợ trái phiếu”, ông Nghĩa dự báo.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.


Cũng có cuộc trao đổi với PV Người Đưa Tin , TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: “Sau một quý bị thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp phải tình trạng thiếu vốn, không có nguồn hàng để triển khai các dự án đầu tư, và đang là điểm nghẽn của thị trường".

“Vừa rồi, một số doanh nghiệp làm sai việc phát hành trái phiếu đã phát hiện ra quy định hiện hành có nhiều điểm hổng, đó là việc không bảo vệ được nguồn vốn của các nhà đầu tư thứ cấp khi họ tham gia vào thị trường, vốn của các nhà đầu tư này khi mua trái phiếu không biết đi về đâu vì không ai kiểm tra, giám sát, tạo nên nỗi sợ cho các nhà đầu tư.

Câu chuyện hiện nay đang là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp, không phát hành được trái phiếu, không vay được tín dụng mà pháp luật lại chưa cho huy động vốn khi chưa đủ điều kiện”, ông Đính nhấn mạnh.

Kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục được mở rộng


TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới. “Năm ngoái, kênh này rất lớn, trong đó khối bất động sản chiếm khoảng 36%. Kỳ vọng kênh trái phiếu sẽ tiếp tục được mở rộng sau khi chậm lại trong mấy tháng vừa qua, đóng góp tới 20 – 25% nhu cầu vốn cho doanh nghiệp”, ông Lực cho biết.

TS. Cấn Văn Lực tại diễn đàn “Bất động sản 2022: Những vùng đất tiềm năng”.

Tuy nhiên, về việc liệu trái phiếu sẽ được nới lỏng trong thời gian tới, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết điều này cần phụ thuộc vào Nghị định 153 sẽ được Chính phủ sửa đổi như thế nào, nhưng theo ông, tốt nhất là theo thông lệ quốc tế.

Đồng tình với ông Nghĩa, TS. Nguyễn Văn Đính cũng nhận định: “Trái phiếu doanh nghiệp sắp tới chắc chắn vẫn phải bị kiểm soát bằng những quy định của pháp luật, tuy nhiên kiểm soát, giám sát chứ không phải gây khó khăn hay hạn chế hoạt động phát hành trái phiếu, nhưng không được thả lỏng như trước đây”.

Dự báo về triển vọng tín dụng trong thời gian tới, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng tín dụng vẫn sẽ ổn định, xoay quanh mức bình ổn 14 - 15% tăng trưởng hàng năm.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng: “Hiện nay, Chính phủ cũng có những động thái điều tiết nên hoạt động tín dụng sắp tới chắc chắn sẽ được điều chỉnh một số quy định, được cân bằng và ổn định. Tuy giai đoạn cuối năm còn gặp nhiều khó khăn nhưng đến năm 2023 sẽ được hồi phục tốt hơn".

Nhận định về việc liệu trái phiếu doanh nghiệp có còn là một kênh huy động vốn quan trọng trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam đang thiếu nhiều biện pháp huy động vốn, đặc biệt là nguồn lực của các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn yếu, nên việc phát hành trái phiếu là một trong những biện pháp cần thiết, hiệu quả nhất hiện nay, nên rất cần sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước và đặc biệt là những cơ chế, chính sách vĩ mô để thúc đẩy hoạt động này một cách hiệu quả hơn so với trước đây”.


Đồng quan điểm với ông Đính, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Trái phiếu doanh nghiệp có thể là kênh trung - dài hạn, sau này việc huy động vốn chỉ có thể dựa vào trái phiếu. Vì vay vốn của ngân hàng sau này càng bị thu hẹp lại, nhưng vốn trái phiếu lại có thời hạn tương đối dài, và còn có thể đảo nợ được. Với tốc độ tăng 30 - 35% trong mấy năm qua, chẳng mấy chốc quy mô trái phiếu có thể lên tới 10.000.000 tỷ đồng” .

Chia sẻ Facebook