Doanh nghiệp bảo hiểm không được tự đặt thêm điều kiện bồi thường
Tỷ lệ số vụ bồi thường cho người mua bảo hiểm xe máy là 0,1% và số tiền chi trả chưa đầy 6% doanh thu thể hiện sự không tương xứng quyền lợi và trách nhiệm giữa người mua bảo hiểm và các doanh nghiệp bán bảo hiểm. Đây là lúc Bộ Tài chính phải “siết” các doanh nghiệp bảo hiểm để chấm dứt tình trạng không công bằng đã kéo dài hàng chục năm qua.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được tự đặt thêm điều kiện bồi thường
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết không thể bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy (bảo hiểm bắt buộc xe máy) theo ý kiến của cử tri được Quốc hội chuyển đến. Lý do được Bộ đưa ra là “việc mua bảo hiểm này cần thiết và đúng quy định pháp luật”.
Thế nhưng, trong khi người dân nghiêm túc chấp hành việc mua bảo hiểm theo quy định thì các doanh nghiệp lại dựng ra một mê hồn trận thủ tục rối rắm để căn cứ vào đó có thể thoái thác trách nhiệm bồi thường theo luật định.
Các công ty bảo hiểm luôn cho rằng tỷ lệ bồi thường thấp là tại chủ xe máy không chịu làm thủ tục đòi bồi thường. Nhưng thực tế qua những gì báo chí phản ánh thì “Đòi bồi thường bảo hiểm xe máy khó như lên trời!”, “Mua bảo hiểm xe máy, đừng mong bồi thường” như tựa đề những bài báo Lao Động, Tuổi Trẻ đăng tải trong tuần này. Nhiều bạn đọc đã kể lại hành trình đi đòi quyền lợi bảo hiểm xe máy của họ gian nan ra sao, theo tường thuật của các tác giả bài báo.
Những phản ánh của người dân trên báo chí cũng hoàn toàn khớp với số liệu tổng hợp về loại hình bảo hiểm này. Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới chỉ riêng trong năm 2019 là 3.590 tỉ đồng; trong đó xe ô tô là 2.825 tỉ đồng, xe máy là 765 tỉ đồng. Ước tính chi phí bồi thường trong năm 2019 là 972 tỉ đồng, trong đó, số tiền bồi thường cho các vụ tai nạn ô tô là 927 tỉ đồng và xe máy là 45 tỉ đồng, tương đương 32,8% và 6% tổng doanh thu phí bảo hiểm.
Cùng theo số liệu của cục này cung cấp cho báo chí vào giữa năm 2020 trong tổng kết 10 năm thực hiện của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc, số lượt xe máy mua bảo hiểm khoảng 93,5 triệu xe nhưng số vụ tai nạn được giải quyết bồi thường là gần 102 ngàn vụ, tức chỉ khoảng hơn 0,1%.
Trong khi đó, với số lượt mua bảo hiểm bắt buộc của xe ô tô là khoảng 16,8 triệu lượt thì số vụ bồi thường bảo hiểm lên đến hơn 492 ngàn vụ, tương đương 3%, cao gấp 30 lần số vụ bồi thường cho xe gắn máy.
Đa số hồ sơ đề nghị bảo hiểm xe gắn máy bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường với lý do không có giấy xác nhận tai nạn của công an địa phương hay cảnh sát giao thông. Trong khi theo luật định, việc thu thập hồ sơ từ phía công an – trong trường hợp cần phải có – là trách nhiệm của công ty bảo hiểm. Rõ ràng, đây là một đòi hỏi vô lý và quả là làm khó người bị bắt buộc mua bảo hiểm.
Thiết nghĩ, một khi quy định bảo hiểm bắt buộc xe máy được duy trì thì việc cần làm là cơ quan chức năng nhà nước, cụ thể là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính cần thực thi vai trò giám sát một cách chặt chẽ.
Cơ quan chức năng phải giám sát để bảo đảm việc bồi thường bảo hiểm cho xe máy tuân thủ chặt chẽ “Về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” của Chính phủ, đã có hiệu lực từ tháng 3-2021.
Theo điều 13 Nghị định 03/2021, có 8 trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại. Như vậy, ngoài các trường hợp đã được quy định chi tiết trong nghị định này thì doanh nghiệp không được quyền từ chối yêu cầu bảo hiểm.
Ngoài ra, theo điều 15 Nghị định số 03/2021 thì chỉ khi nào xảy ra tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách thì hồ sơ bảo hiểm mới cần các tài liệu của công an gồm Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông.
Cũng theo điều 15, doanh nghiệp bảo hiểm phải tự liên hệ cơ quan công an để lấy bản sao các tài liệu liên quan trong các vụ tai nạn. Như vậy, việc doanh nghiệp bảo hiểm đẩy trách nhiệm đi thu thập các hồ sơ công an cho phía người mua bảo hiểm cũng hoàn toàn sai luật.
Công cụ để bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm xe máy đã có đủ nhưng cần có sự giám sát và chế tài từ cơ quan chức năng đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố tình làm khó khách hàng.
Một khi hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ đúng theo Nghị định số 03/2021 thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả, không được tự đặt ra thêm điều kiện, thủ tục để làm khó hay từ chối bồi thường. Đây là việc phải làm để mang lại sự công bằng cho người mua bảo hiểm.
Song Nghi
TBKTSG