Doanh nghiệp bán lẻ gặp khó, "trông ngóng" vào quý cuối năm
Khó khăn từ nhu cầu suy yếu và tồn kho cao gây áp lực đến kết quả kinh doanh của nhóm bán lẻ trong quý I/2023, toàn ngành trông chờ sức cầu hồi phục vào cuối năm.
Năm 2023, ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, điển hình là nhóm ngành bán lẻ. Dù nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao công tác quản trị, thu hẹp số lượng cửa hàng…, tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn không có nhiều khả quan.
Tuy thế, với nhóm ngành này, bộ phận phân tích của chứng khoán BSC vẫn kỳ vọng một cục diện tích cực hơn vào cuối năm 2023. Điều này nhờ vào việc bình thường hoá các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, kỳ vọng tình hình lạm phát của các nền kinh tế lớn trên thế giới được kiềm chế, giảm áp lực về tồn kho cao và tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục hạ nhiệt.
Trên thực tế, so với mức nền cao của năm 2022 cùng với áp lực từ lãi vay và sức mua suy giảm, điều khiến cho các nhà bán lẻ lo ngại là tình hình cạnh tranh trong ngành sẽ càng trở nên gay gắt. Điều đó đã đặt thách thức tăng trưởng chung đối với nhóm ngành này trong cả năm nay, nhất là đối với nhóm ngành điện thoại - điện máy vốn đã có mức nền rất cao trong năm 2022.
Kết thúc quý I/2023, doanh thu thuần của “ông lớn” bán lẻ Thế giới Di động (mã : MWG) giảm 28% so cùng kỳ, chỉ đạt 27.105 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 36%, còn 5.214 tỷ đồng, tương ứng mức giảm ròng hơn 2.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 19% nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn giảm gần 99%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng. Với kết quả lợi nhuận trên, MWG ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng ICT đều có sức cầu yếu. Ngoài ra, đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất mà nhà bán lẻ này ghi nhận được kể từ khi niêm yết.
Dòng sản phầm ICT tuy chiểm tỉ trọng lớn nhất trong doanh số của chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh nhưng cũng phải ghi nhận nguồn thu sụt giảm 40% do sức cầu yếu. Còn chuỗi Bách Hoá Xanh, doanh thu luỹ kế trong quý I tăng 5%, tuy nhiên chuỗi này đã giảm 20% về số điểm bán so với quý I/2022.
Tuy nhiên, xếp ở vị trí thứ hai, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ ) lại đi ngược xu hướng mà ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu thuần của PNJ đạt 99.796 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 3% còn và lợi nhuận sau thuế tăng gần 4% lên 748 tỷ đồng, được xem là mức lãi kỷ lục mới của công ty.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp trung bình quý I đạt 19,4% so với mức 17,4% cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán. Tổng chi phí hoạt động quý này của công ty cũng tăng 13,2% so với cùng kỳ, tỉ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp tăng từ mức 46,5% lên mức 49% năm 2023 do nền giá cao hơn bởi ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.
Cũng ghi nhận lợi nhuận lao dốc , Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã: FRT) tuy vẫn duy trì được mức doanh thu quý I/2023 đi ngang so với cùng kỳ, đạt 7.752 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế của doanh nghiệp giảm tới 99% còn 2 tỷ đồng.
Chuỗi Long Châu tiếp tục là điểm sáng trong doanh thu của FRT khi vẫn duy trì tốt tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng thêm 119 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 1.056, đưa doanh thu chuỗi Long Châu đạt mức 3.284 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm hơn một nửa so với mức thực hiện năm 2022, còn 240 tỷ đồng. Dù đã giảm chỉ tiêu đề ra, kết quả hoàn thành trong quý I vẫn chỉ vọn vẹn 8,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Với lời khẳng định “doanh nghiệp chưa có một quý nào lỗ”, trong quý I/2023, CTCP Thế Giới Số (Digiworld – mã : DGW) ghi nhận doanh thu giảm 44% so với cùng kỳ đạt 3.900 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, giảm 63% so với quý I/2022.
Tại Đại hội cổ đông thường niên, ban lãnh đạo Digiworld cho biết, sức mua của ngành bán lẻ dự báo sẽ tiếp tục yếu cho đến năm 2024, nửa sau của năm 2023 có thể phục hồi so với nửa đầu 2023 nhưng không nhiều, sức mua sẽ quay trở lại bình thường vào nửa cuối năm 2024.
Nguyên nhân được lý giải là vì mặt bằng lãi suất cao (trong nước và quốc tế) khiến doanh nghiệp không thể mở rộng mạnh tay hoạt động kinh doanh, không có nhiều công việc được tạo ra, sức mua tiêu dùng kém.
Đồng thời, nhận thấy năm 2023 là một năm nhiều thách thức và khó khăn với các doanh nghiệp, Digiworld đã hạ kế hoạch lợi nhuận so với mục tiêu đặt ra hồi tháng 2/2023 khoảng 15% cả về doanh thu và lợi nhuận năm. Theo đó, công ty dự kiến doanh thu năm 2023 đạt 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 42% so với thực hiện 2022.
Chứng khoán BSC kì vọng các doanh nghiệp lớn sở hữu sức mạnh tài chính, theo đuổi xu hướng tiêu dùng hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức trung bình ngành trong năm 2023.
Tuy nhiên, mức tăng có thể thấp hơn so với mức nền cao của 2022, do chiếm thêm thị phần bằng cách mở rộng quy mô, (PNJ, chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh) và tiến hành M&A; tiến hành tái cấu trúc toàn diện (chuỗi Bách Hoá Xanh), số hóa và tối ưu hóa mô hình hoạt động của doanh nghiệp (PNJ) .