Đoàn liên ngành đi kiểm tra, loạt xe doanh nghiệp ‘rồng rắn’ bám đuôi
"Tôi đi kiểm tra thực tế gặp đoàn kiểm tra liên ngành về xe chở vật liệu xây dựng, thấy cả đoàn hơn 10 xe rồng rắn nối đuôi nhau. Tôi hỏi trưởng đoàn thì nói đó là xe của doanh nghiệp biết đoàn đi kiểm tra nên bám đuôi theo" - ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nói thẳng.
Ngày 10/11, UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với sở, ngành và doanh nghiệp liên quan vấn đề khai thác và quản lý giá vật liệu xây dựng trên địa bàn. Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp (DN) mổ xẻ nhiều vấn đề bất cập trong thực tế. Theo quy hoạch, hiện Quảng Nam có 238 điểm khai thác, 113 triệu m3.
Ông Trần Hữu Thuật - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Minh Khang - cho hay, hiện đơn vị tại đang thi công công trình trọng điểm là cầu Tân Bình (huyện Đại Lộc). Doanh nghiệp chật vật khi mua nguyên vật liệu cho thi công dù căn cứ trên những thông tin được công bố.
“Tôi chẳng hiểu họ (DN) bán đất thế nào mà tháng 6 năm nay mới cấp phép nhưng tháng 11 năm ngoái đã có báo giá ở mỏ đất Đại Lộc. Bắt buộc báo giá dự thầu 50 ngàn đồng/m3. Hiện tại, tôi mua đất mỏ ở Đại Lộc 78.000 đồng/m3 không thuế, cộng thuế nữa là 93.000 đồng/m3".
Doanh nghiệp đề nghị triệu tập tất cả chủ mỏ đang có giấy phép, tất cả báo giá công khai, niêm yết tại cửa mỏ. “Nếu như làm như vậy hằng năm thu đủ dăm tỷ để tái đầu tư chứ không phải chỉ mấy chục triệu bạc thuế. Không thể để nhóm lợi ích khống chế toàn bộ thị trường ở Quảng Nam” – ông Thuật nói.
Đại diện các doanh nghiệp xây dựng, ông Trần Thanh Tiến nêu thực trạng, hiện nay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức mà chưa tìm được phương hướng giải quyết.
“Việc biến động giá cả vật liệu quá lớn, thủ tục pháp lý phức tạp, bị nợ đọng, công tác thanh tra, kiểm tra liên tục… đang khiến các doanh nghiệp xây dựng chúng tôi đối mặt với nguy cơ tàn lụi dần ” – ông Tiến nói.
Hầu hết các chi phí phục vụ công trình đều bị "đội" giá gấp vài lần, như giá nhân công lao động trong lĩnh vực xây dựng thực tế phải trả so với giá được UBND tỉnh ban hành định mức nhân công quá chênh lệch, chi phí thuê nhân công cao gần gấp 2-2,5 lần so với giá nhân công quy định.
Tình trạng khan hiếm nhân công, các dự án thuộc địa bàn miền núi phải đưa nhân công nơi khác đến mới đảm bảo khiến chi phí càng "đội" lên nhiều lần. Giá ca máy, cước vận chuyển cũng đội lên từ 1,5-2 lần…
Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng tăng tăng giá từ 10-25%. Chi phí xây dựng "đội" giá thêm 20-30% so đơn giá ban đầu trong hợp đồng ký kết đã đẩy nhiều nhà thầu thi công vào tình cảnh thua lỗ; nguồn vật liệu khan hiếm, đặc biệt nguồn vật liệu là khoáng sản thông thường như đất nền, cát, đá.
Các dự án căn cứ giá tại thông báo giá theo quý tại địa phương để lập dự toán nhưng thực tế mỏ vật liệu tại địa phương không đáp ứng nhu cầu về trữ lượng, giấy phép khai thác hết hạn… do đó không mua được vật liệu tại địa phương, trường hợp muốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án theo hợp đồng đã ký kết bắt buộc nhà thầu phải mua vật liệu ở các địa phương khác vận chuyển đến với chi phí quá cao hoặc mua vật liệu không có hóa đơn chứng từ để thi công dẫn đến các rủi ro về pháp lý dễ dẫn đến phá sản.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết đã tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra tại các mỏ, phát hiện xử lý một số sai phạm. Tuy nhiên, vấn đề doanh nghiệp bán giá vật liệu không đúng với giá công bố thì cần sự vào cuộc của nhiều ngành như công an, cục thuế, quản lý thị trường cùng vào cuộc mới có thể siết chặt quản lý.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang thẳng thắn trao đổi: "Tôi đi kiểm tra thực tế gặp đoàn liên ngành đi kiểm tra về xe chở vật liệu xây dựng, tôi thấy cả đoàn hơn 10 xe rồng rắn nối đuôi nhau. Tôi hỏi thì trưởng đoàn nói đó là xe của doanh nghiệp, biết đoàn đi kiểm tra nên bám đuôi theo" - ông Quang nói và đề nghị các ngành làm tốt hơn trong công tác quản lý.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, thực tế có hiện tượng đất cát ở Quảng Nam chở ra Huế, các nơi còn phục vụ công trình thì bị đẩy giá lên. Cũng có thông tin, doanh nghiệp công bố giá một nơi, bán một nẻo, viết hoá đơn một nẻo.
"Đề nghị Cục thuế tổ chức thanh tra kiểm tra tất cả doanh nghiệp liên quan, cùng với công an siết chặt vấn đề này, làm rõ có hay không lũng đoạn thị trường nguyên vật liệu do doanh nghiệp lớn thao túng. Về giá, từ nay mỏ nào không công bố giá và bán theo giá niêm yết thì rút giấy phép” - ông Quang nói.