Đồ uống quốc dân Việt Nam khiến truyền thông thế giới tấm tắc: Đó là phong cách sống!

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 09:47:38

"Lặng nghe giọt cà phê nhỏ tí tách trong cốc và ngắm nhìn ánh mặt trời lặn dần, cuộc sống thường ngày trôi qua quá đỗi bình yên", phóng viên Trung Quốc viết.

Đồ uống quốc dân

Ở Việt Nam , mỗi khi tổ chức hội nghị hay triển lãm quốc tế lớn, bánh mì kẹp thịt, nước trái cây nhiệt đới và cà phê phin luôn được trưng bày nhằm thể hiện những nét đặc trưng của Việt Nam. Dạo bộ trên đường phố Việt Nam, ngoài những tiệm cà phê sang chảnh có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi, bạn có thể thường xuyên bắt gặp những quán cà phê có bạt che hoặc ô che ven đường, một cốc cà phê khoảng 15.000 VNĐ, đó là món đồ uống quốc dân ở Việt Nam

Ấn tượng nhất của cà phê Việt Nam là cà phê phin độc đáo

Phóng viên của Hoàn cầu đã ghé vào một quán cà phê nhỏ ở khu phố cổ Hà Nội và gọi một ly cà phê sữa. Trong quán không có nhân viên phục vụ, chỉ có một đôi vợ chồng ông bà chủ đã lớn tuổi. Ông chủ mang đến cho vị khách Trung Quốc một chiếc cốc, bên trong có đổ một lớp sữa đặc, sau đó đặt chiếc phin và đổ nước sôi vào, để phóng viên có thể xem toàn bộ quá trình nhỏ giọt.

Ông chủ cho biết, để pha một ly cà phê phin mất khoảng mười phút, một số khách hàng sợ cà phê bị nguội nên yêu cầu đặt thêm một ngọn nến nhỏ dưới cốc cà phê để hâm nóng.

Phóng viên Trung Quốc chia sẻ, họ ngồi quan sát cà phê đen nhỏ giọt vào sữa đặc màu trắng, khi quá trình nhỏ giọt hoàn tất thì dùng thìa trộn đều cà phê đen và sữa đặc màu trắng theo tỷ lệ khoảng 2:1, cà phê sẽ chuyển thành cà phê sữa màu nâu. Vị ngọt của sữa đặc và vị đắng của cà phê hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị rất riêng.

Theo ông chủ người Việt, do thời tiết Việt Nam nắng nóng nên nhiều người thích uống cà phê đá. Cà phê đá trước tiên sẽ bỏ vài viên đá vào cốc, sau đó rót cà phê sữa nâu đã pha chế sẵn, đá lạnh uống rất dễ chịu, dùng thìa khuấy đều cà phê trong cốc, những viên đá va vào nhau tạo nên âm thanh ting ting giòn tan, tăng thêm cảm giác sảng khoái cho tiết trời nóng bức.

Cà phê phin của Việt Nam khiến người ta có cảm giác nồng và đắng hơn cà phê thông thường, nguyên nhân là do thời tiết ở Việt Nam nóng ẩm, cà phê được sản xuất chủ yếu là hạt cà phê Robusta thay vì hạt cà phê Arabica thông thường.

Cà phê phin Việt Nam nổi tiếng thế giới. Ảnh: CNN

Hạt cà phê Robusta nhỏ và tròn, có khả năng chống chịu sâu bệnh và sương muối rất tốt. Cũng chính môi trường sinh trưởng đặc biệt của hạt cà phê Robusta đã quyết định hàm lượng caffein của nó gần như gấp đôi hạt cà phê thông thường nên có vị đắng hơn cà phê thường rất nhiều. Và một chiếc phin nhỏ xinh rất phù hợp để pha loại cà phê đắng này.

Cần chiến lược để phát triển sản phẩm


Theo hãng tin CNN (Mỹ), đối với người Việt Nam, cà phê cung cấp nhiều thứ không chỉ là một nguồn năng lượng - đó là phong cách sống . Các cửa hàng cà phê được thiết kế theo nhiều kiểu từ quầy hàng đơn giản đi kèm vài chiếc ghế nhựa tới những quán cà phê phong cách hiện đại được trang bị máy rang.

Những người uống cà phê có xu hướng tụ tập tại các quán cà phê yêu thích của họ, đó là "không gian thứ ba", bên ngoài nhà và nơi làm việc... Ngoài ra, gần như mọi hộ gia đình Việt Nam đều pha cà phê tại nhà"

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil.

Tuy nhiên, bất chấp quy mô doanh số xuất khẩu và văn hóa cà phê địa phương sôi động, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam còn ở mức thấp, bởi sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, còn thị trường cà phê rang xay, hòa tan chưa được khai thác đúng mức. Chính vì thế, chiến lược của ngành cà phê Việt Nam trong thời gian tới là đẩy mạnh sản xuất cà phê rang xay, hòa tan để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Báo Tin Tức dẫn lời ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho biết, cà phê rang xay, hòa tan hiện đang được các nước trên thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, khi nền kinh tế của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn không hề giảm mà ngày càng tăng.

Báo Lao động đưa tin, thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, bước sang tháng 5/2022, xuất khẩu cà phê có nhiều tín hiệu lạc quan khi giá cà phê thế giới tăng trở lại và nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới cũng tăng.


Theo An An

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook