Đỗ Thị Ngọc Châm "Nóng cùng World Cup": Vượt qua thử thách nghiệt ngã để trở lại rạng rỡ
Phải giã từ sự nghiệp thi đấu khi đang trên đỉnh cao nhưng hoa khôi bóng đá Việt Nam một thuở đang hồi sinh, vượt qua định mệnh nghiệt ngã để trở lại rạng rỡ.
Những ngày vừa qua, bên cạnh những trận cầu đỉnh cao và đầy kịch tính đến từ giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh - World Cup 2022, dư luận trong nước cũng dấy lên nhiều tranh cãi xung quanh chương trình Nóng cùng World Cup. Theo đó, chương trình đã mời 32 cô gái trẻ trung, xinh đẹp tham gia đồng hành cùng các biên tập viên trong phần bình luận trước và sau mỗi trận đấu.
Tuy nhiên, sau những loạt trận đầu tiên, chương trình đã vấp phải nhiều phản ứng tranh cãi, xuất phát từ những lời bình luận ngây ngô đến "khó đỡ" của một số hot girl.
Khi những tranh cãi chuyển thành làn sóng phản đối, VTV đã quyết định cắt bỏ phần "nóng bỏng" này. Phương án thay thế được thực hiện ngay từ trận cầu tiếp đó, và sự xuất hiện của nhân vật khách mời chắc hẳn đã làm vui lòng người hâm mộ. Khác với các khách mời "tiền nhiệm", Đỗ Thị Ngọc Châm - hoa khôi bóng đá ngày nào mang đến Nóng cùng World Cup tối 25/11 những bình luận thú vị, dựa trên các phân tích về mặt chuyên môn cũng như kinh nghiệm thi đấu thực tế.
Đỗ Thị Ngọc Châm (37 tuổi) là cựu cầu thủ, cựu huấn luyện viên bóng đá nữ Việt Nam. Hiện cô là nhà sáng lập kiêm quản lý Trung tâm Bóng đá Cộng đồng CFF, chuyên đào tạo cho các cầu thủ nhí từ 5-15 tuổi. Sớm bộc lộ tài năng bóng đá nổi bật so với thế hệ của mình, Ngọc Châm nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công trong màu áo CLB Hà Nội I và cùng đội bóng này giành chức vô địch mùa bóng 2008-2009.
Ở cấp độ đội tuyển, tấm huy chương bạc SEA Games 24 là danh hiệu cao quý nhất mà Ngọc Châm có được. Cá nhân cô nhận Quả bóng vàng Việt Nam 2008.
Huyền thoại bóng đá nữ Việt Nam
Đến với sự nghiệp quần đùi áo số khi còn lứa tuổi thiếu niên nhưng đó chính là quãng thời gian hun đúc cho cựu tuyển thủ tình yêu bóng đá mãnh liệt hơn bao giờ hết. 14 tuổi, độ tuổi mà bạn bè cùng trang lứa đang cắp sách tới trường, cô gái ấy đã rời vòng tay cha mẹ, xa gia đình để theo đuổi niềm đam mê của mình. Và chính niềm đam mê ấy đã mài giũa nên một tài năng.
Khi đó, từ đội năng khiếu của Hà Nội, chỉ trong vỏn vẹn hai năm, Châm nhảy vọt lên đội hình một, sánh bước bên nhiều đàn chị tên tuổi. Dù sở hữu tài năng được đánh giá cao, thế nhưng cô gái ấy vẫn không ngừng nỗ lực rèn luyện. Cùng với thể hình lý tưởng, lối chơi kỹ thuật thông minh, bản năng săn bàn thiên bẩm là những yếu tố hội tụ giúp Ngọc Châm trở thành ngôi sao được giới chuyên môn ưu ái.
Ở tuổi 18, cô đã là tiền đạo chủ lực của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Và trong suốt những năm tháng thi đấu chuyên nghiệp sau đó, Ngọc Châm đã trở thành cái tên đầu tàu không chỉ ở cấp CLB mà còn cấp đội tuyển quốc gia.
Năm 2008 có lẽ là thời kỳ hoàng kim, đỉnh cao trong sự nghiệp của cựu tuyển thủ.
Tại giải vô địch Đông Nam Á năm ấy, cô gái người Hà Nội đã thể hiện tài năng của mình khi liên tục ghi bàn giúp tuyển Việt Nam vượt qua đại kình địch Thái Lan và chỉ chịu thua Australia trong trận chung kết.
Với phong độ cũng như thành tích xuất sắc suốt giải đấu, Ngọc Châm đã giành 2 giải thưởng cầu thủ hay nhất giải và vua phá lưới với tư cách không thể thuyết phục hơn.
Và cũng trong năm ấy, Ngọc Châm một lần nữa thể hiện vai trò trụ cột cũng như tài năng của mình khi góp công lớn nhất giúp tuyển nữ thi đấu thành công ở giải vô địch châu Á khi tỏa sáng và đem về những thắng lợi trước Myanmar, Đài Loan và Iran. Đây cũng là lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam lọt vào vòng chung kết của giải đấu lớn nhất châu lục.
Với sự xuất sắc trong hai giải đấu ấy, Ngọc Châm chính là ngôi sao sáng nhất giúp đội tuyển lấy lại ngôi hậu của mình sau khi để Thái Lan vượt qua ở kỳ SEA Games trước.
Không chỉ vậy, ở cấp CLB, cựu tuyển thủ năm ấy cũng trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất ở giải vô địch quốc gia để đưa Hà Nội lên ngôi vô địch sau nhiều năm chờ đợi và được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc của giải.
Với tất cả những thành tích đó, danh hiệu Quả bóng vàng năm 2008 đã thuộc về cô. Danh hiệu này hoàn toàn xứng đáng bởi khi so về thành tích, cựu tuyển thủ hoàn toàn vượt trội so với các đàn chị góp mặt trong danh sách là Đào Thị Miện, Kiều Chinh và Kim Hồng ở thời điểm đó.
"Tất cả mọi việc đều xuất phát từ đam mê bóng đá. Việc thi đấu chuyên nghiệp cũng vậy. Từ khi ăn tập chuyên nghiệp lúc 14, 15 tuổi rồi có danh hiệu cá nhân và những thành công nhất định từ cấp độ CLB đến đội tuyển".
Thế nhưng cũng chính niềm đam mê bóng đá ấy đã khiến cựu tuyển thủ phải nhiều lần bật khóc.
"Vết thương lòng" SEA Games và đoạn kết buồn cho "đôi chân pha lê"
Năm 2002, lần đầu tiên SEA Games được tổ chức tại Việt Nam. Được tham dự giải đấu này có lẽ là niềm mơ ước của tất cả các VĐV thời điểm đó. Với cựu tuyển thủ cũng vậy. Cô cũng mong ngóng, háo hức khi được cống hiến tài năng của mình cho thể thao nước nhà. Thế nhưng, trước thềm SEA Games, chấn thương đứt dây chằng đầu gối đã cướp đi giấc mơ đẹp đẽ của cô gái với niềm đam mê cống hiến mãnh liệt cho bóng đá. Cũng vào năm ấy, bóng đá nước nhà bước lên đỉnh vinh quang nhưng Ngọc Châm lại lỡ hẹn.
Gạt nước mắt, cô gái ấy nỗ lực trở lại, cố gắng điều trị để bình phục chấn thương, nỗ lực luyện tập để lấy lại phong độ. Những sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy đã một lần nữa giúp cô trở lại với đỉnh cao và khẳng định mình ở giải vô địch quốc gia. Nhưng trong sự nghiệp của một VĐV, chấn thương là điều không thể tránh khỏi. Ngọc Châm cũng không tránh khỏi quy luật đó. Thế nhưng lần chấn thương này lại khiến cô gái tài năng, xinh đẹp ấy gục ngã "gần như không thể gượng dậy" bởi nó đã khiến cô lần thứ 2 lỡ hẹn với SEA Games.
Ngay trước thời điểm HLV Mai Đức Chung chốt danh sách đội tuyển nữ đến Philippines dự SEA Games 23, chấn thương dây chằng đeo bám cô dai dẳng đã tái phát. Năm ấy, khi chứng kiến đồng đội khổ chiến giành vinh quang nơi xứ người, thì cô gái 20 tuổi ngậm ngùi rơi nước mắt. Giọt nước mắt hạnh phúc cho vinh quang của đồng đội nhưng cũng là giọt nước mắt cho chính số phận nghiệt ngã của mình.
Đối với sự nghiệp của VĐV, chấn thương có lẽ là nguyên nhân chính khiến họ từ bỏ. Thế nhưng với Ngọc Châm lại ngược lại. Chấn thương chính là động lực để cô "phục thù" lại những cơ hội đã từng bỏ lỡ. Ai cũng đã từng nghĩ rằng, nếu đặt vị trí vào Ngọc Châm, có lẽ đã vượt qua mọi giới hạn chịu đựng và chấp nhận từ bỏ. Thế nhưng cô vẫn trở lại bằng một nghị lực phi thường.
Suốt quãng thời gian gần 3 năm (từ 2006 đến gần hết 2009), chấn thương đứt dây chằng cũng không còn tái phát. Mỗi lần tập trung đội tuyển, cô luôn là chân sút hàng đầu, thậm chí là ngôi sao giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đăng quang ngôi vô địch Đông Nam Á. Cô còn giúp CLB Hà Nội vô địch sau nhiều năm, trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Những tưởng với phong độ ổn định ấy, cô gái vàng của bóng đá Việt Nam thời điểm đó sẽ không còn lỡ hẹn với SEA Games thì chấn thương một lần nữa tái phát.
Năm 2009, khi đang háo hức cùng đồng đội tập luyện, chuẩn bị cho kỳ SEA Game 25 trên đất Lào thì định mệnh một lần nữa bất công với cô gái tài năng ấy. Chấn thương dây chằng tái phát, cô đau đớn nhập viện. Thời điểm này, không chỉ ban huấn luyện đội tuyển nữ lo lắng, chạy đua với thời gian mà cả chính cô cũng như vậy. Bởi đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để cô không còn lỡ hẹn với SEA Games. Song kết luận cuối cùng của bác sỹ là "không thể". Cô gái tài năng bậc nhất bóng đá Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với SEA Games.
3 lần lỡ hẹn, có lẽ SEA Games mãi mãi là "vết thương lòng", là đỉnh cao mà Ngọc Châm không thể với tới và đau đớn hơn, khi cả 3 kỳ SEA Games cô bỏ lỡ thì cả 3 lần đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đều đăng quang. Khát khao một lần cùng đội tuyển chinh phục ngôi cao Đông Nam Á dường như đã chấm dứt với cô gái tài năng nhưng kém may mắn này, bởi SEA Games 2009 diễn ra cũng là lúc cô vừa bước qua tuổi 25, lứa tuổi không còn trẻ để duy trì sự nghiệp đỉnh cao, nhất là với cầu thủ nữ. Một người từng coi tình yêu trái bóng là điểm xuất phát nhưng thời gian lại quá nghiệt ngã để chờ đợi tình yêu ấy "đơm hoa kết trái".
Nếu như khoảng thời gian 3 năm (2006-2009), dù chấn thương kéo dài dai dẳng, thậm chí đã có những lúc nữ tuyển thủ đã có ý định giải nghệ vì cảm thấy không còn hy vọng gì nữa, nhưng đến cuối cùng, tình yêu với bóng đá cùng ý chí và nghị lực phi thường đã giúp cô gái ấy vẫn vượt qua tất cả và trở lại. Thế nhưng với lần chấn thương thứ 3 này có lẽ đã vượt qua giới hạn chịu đựng của cô gái xinh đẹp. Một năm sau khi lỡ hẹn lần thứ 3, Ngọc Châm thừa nhận cô đã vơi cạn ước mơ trở lại.
Đến năm 2012, cô quyết định giải nghệ, rời xa sự nghiệp quần đùi áo số đã làm nên tên tuổi của mình.
Chưa bao giờ rời xa sân cỏ
Đối với nhiều VĐV, 25, 27 hay thậm chí 30 tuổi vẫn có thể đang ở độ chín của sự nghiệp. Tuy nhiên đối với một người đã dính chấn thương rất nhiều lần thì đó quả thực là điều không thể. Ngọc Châm là một trong số đó, khi mới 27 tuổi. Dẫu vậy, tình yêu bóng đá chưa bao giờ tắt trong cô. Cô luôn xác định dù có làm gì, công việc của mình vẫn gắn liền với quả bóng tròn, thứ đã đưa cô đến vinh quang.
"Đến giờ, mình vẫn còn đam mê, nhiệt huyết và luôn nghĩ bằng cách này hay cách khác, mình sẽ truyền dạy vốn kiến thức qua bao năm tích lũy được cho những thế hệ sau...",
Không thể đá bóng ghi bàn nữa, Ngọc Châm miệt mài theo học lấy bằng HLV. Cuối năm 2011, lạc giữa dòng thời sự chảy trôi không ngừng của bóng đá nước nhà, người hâm mộ mừng cho Châm, khi cô chuẩn bị hoàn tất khóa đào tạo huấn luyện.
Đêm Gala trao giải thưởng Quả bóng vàng 2011, nhìn Châm xuất hiện rạng rỡ, nhiều người bảo "cuộc đời vẫn công bằng". Không thể vươn lên đỉnh cao nhất trong vai trò ngôi sao bóng đá xuất chúng, nhưng Ngọc Châm hiện tại xinh đẹp và hạnh phúc sau hậu trường là điều mà tất cả đều cảm thấy vui mừng thay cô. Và cũng cùng năm đó, người hâm mộ cũng đón thêm một tin vui khác khi cô chính thức lên xe hoa.
Dù sau đó bận bịu với nhiều vai trò, nhưng niềm đam mê với trái bóng chưa bao giờ tắt trong cô khi cựu tuyển thủ vẫn luôn mong muốn phát triển bóng đá cộng đồng.
Sau nhiều nỗ lực, tìm kiếm đầu tư, đến năm 2017, cựu thành viên ĐT nữ Việt Nam quyết định mở trung tâm bóng đá cộng đồng CFF.
Trải qua 2 năm hoạt động, Ngọc Châm tỏ ra khá mát tay trong việc vận hành và phát triển CFF. Hiện tại, trung tâm đã có 5 điểm huấn luyện tại Hà Nội, mang niềm vui và những kỹ năng chơi bóng đến các em nhỏ trong độ tuổi từ 5-15 tuổi.
Với Ngọc Châm, đó là niềm hạnh phúc và cũng là động lực để cô tiếp tục gắn bó với bóng đá, dù không còn ở sân chơi chuyên nghiệp.