Đô thị bên sông Hồng: Thu hút đầu tư từ chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng khung
Dự án phát triển đô thị 2 bên sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt đối với vị thể của Hà Nội trong tương lai và sự phát triển KT-VHXH ở khu vực phía Đông của thành phố. Bởi vậy, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng và quản lý phát triển của khu vực này.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, Hà Nội đã chính thức phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng với quy mô gần 11 nghìn ha, thành phố cũng đã hoàn thành 100% quy hoạch phân khu. Điều này đánh dấu sự phát triển của thủ đô về phía Bắc và phía Đông của sông Hồng.
Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của một đô thị, bao gồm quy hoạch, chính sách và nguồn vốn. Đối với khu vực 2 bên sông Hồng, bản quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được xem là công cụ quan trọng đối với công tác quản lý và cơ sở để triển khai các dự án.
Tuy nhiên, để bản quy hoạch không chỉ nằm trên giấy, thì việc quản lý và triển khai quy hoạch đặc biệt quan trọng.
Việc lựa chọn hướng phát triển đô thị 2 bên sông sẽ quyết định đến tính bền vững của đô thị trong tương lại. Để Hà Nội có cơ hội phát triển mới, không làm gia tăng thêm những nguy cơ mới về quá tải hạ tầng giao thông, chính quyền thành phố, các địa phương cần bám sát mục tiêu phát triển là xây dựng trục cảnh quan cây xanh, công viên, mặt nước, tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng mặt nước.
Việc xây dựng một quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc 2 bên sông Hồng là điều cần thiết để tránh những dự án không theo quy hoạch.
Chính sách huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bất động sản lớn cho các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thông qua chỉ định thầu thời gian qua đã bộc lộ những bất cập về sự chênh lệch địa tô giữa doanh nghiệp và người dân, Nhà nước bị thất thoát ngân sách lớn; là sự xuất hiện ồ ạt các dự án siêu đô thị với hệ quả là làm gia tăng áp lực hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội của các khu vực này, trong khi vẫn thiếu vắng không gian công cộng, không gian sáng tạo.
Còn việc cho phép các nhà đầu tư riêng lẻ tự đầu tư các dự án hạ tầng gây ra tình trạng thiếu kết nối, và không đảm bảo tính đồng bộ.
Trong điều kiện nguồn lực của thành phố còn hạn chế, Hà Nội có thể sử dụng nguồn lực, từ chính những cơ chế chính sách để tạo sự hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng dân cư cùng tham gia.
Thông qua việc ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và Nhà nước bỏ vốn để đầu tư các dự án hạ tầng khung, khoản chênh lệch giá trị đất sau khi đấu giá là nguồn lực lớn cho ngân sách nhà nước để tiếp tục tái đầu tư vào các công trình, dự án công cộng, tránh tình trạng chỉ định thầu như trước đây.
Nghị quyết 18-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Để Hà Nội và các địa phương khác có cơ sở để huy động được nguồn thu từ đấu giá đất để đầu tư phát triển hạ tầng, một số ý kiến cho rằng, cần có sự điều chỉnh sửa đổi một số quy định pháp luật liên quan trong đó có Luật đất đai sửa đổi.
Thành phố cũng cần công bố công khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết với những quy định, chỉ tiêu cụ thể để doanh nghiệp, người dân thực hiện. Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, vừa là cách để huy động sự giám sát của cộng đồng, tránh tình trạng làm sai quy hoạch như trước đây.
Đối với những khu vực có dân cư hiện hữu, thành phố cũng cần có những biện pháp khoanh vùng, bảo vệ những diện tích đất còn lại, tránh tình trạng phát triển dân cư tự phát.
Quá trình triển khai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh phát triển của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Chính quyền thành phố Hà Nội phải nắm vai trò quyết định trong việc quản lý và kiểm soát các dự án phát triển, trên cơ sở đó huy động sự tham gia của doanh nghiệp, của xã hội, của cộng đồng cùng thực hiện.
Có như vậy, Hà Nội mới tránh được sự thao túng của các doanh nghiệp bất động sản, dự án phát triển 2 bên sông mới có thể trở thành điểm nhấn về cảnh quan và không gian phát triển mới cho Hà Nội./.
Hải Hà