Đỗ Quang và bài sớ làm chấn động Triều đình vua Tự Đức
Sau thất bại của quân Nguyễn tại Đại đồn Chí Hòa, dù quân và dân Nam bộ vẫn đồng lòng chống Pháp giữ đất, thì vua Tự Đức không còn lòng tin chống Pháp mà ký Hiệp ước cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Giữa lúc đó bài sớ của Đỗ Quang dâng lên Vua đã làm chấn động cả Triều đình, khiến vua Tự Đức cũng cảm động mà mềm lòng.
Tiến sĩ Đỗ Quang
Đỗ Quang sinh năm 1807 người làng Phương Điếm (nay là thôn Phương Điếm, thị trấn Gia Lộc, Hải Dương), xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống hiếu học.
Thuở nhỏ Đỗ Quang đã có tiếng là thông minh học giỏi. Khoa thi năm 1825 ông thi đỗ tú tài, đến khoa thi 1828 ông đỗ cử nhân (khoa thi này vua Minh Mạng đổi tên hương cống thành cử nhân). Đến khoa thi năm 1831, Đỗ Quang xuất sắc đỗ đầu kỳ thi Hội, vào thi Đình ông đỗ tiến sĩ.
Đỗ Quang được cử làm biên tu ở Viện hàn lâm, đến năm 1834 làm Tri phủ Diễn Châu (Nghệ An), năm 1836 được thăng chức Lang trung, năm 1846 làm Thị lang bộ Lại, năm 1847 làm Tham tri bộ Lễ.
Làm quan được dân chúng yêu thương
Năm 1850 Đỗ Quang được cử làm Tuần phủ tỉnh Định Tường ở Nam bộ, nhưng không kiểm soát được để các lái buôn trốn thuế. Ông bị cách chức chuyển đến bộ Lại.
Năm sau dân chúng Định Tường biết việc Đỗ Quang bị cách chức thì khóc lóc dù sự việc đã qua 1 năm rồi. Vua Tự Đức phải truyền sắc chỉ khẳng định nhân cách cao quý của Đỗ Quang để yên lòng dân. Vua nói rằng: “Nếu không phải là người thường được lòng dân thì làm sao được như thế” , xóa tội cho ông rồi thăng cho ông các chức vụ khác nhau.
Do có uy tín cả về học vấn lẫn đạo đức nên Đỗ Quang nhiều lần nhận việc chấm thi.
Năm 1856, ông được sung chức Kinh diên nhật giảng quan phụ trách việc giảng kinh sách cho Vua và các quan. Ông làm rất tốt việc này khiến vua Tự Đức phải khen rằng “Từ khi làm quan Kinh diên đến nay, giảng bàn nghĩa sách, lời gọn, lý sáng” .
Ngoài việc đào tạo và chọn nhân tài cho đất nước, Đỗ Quang còn nhiều lần biên soạn sách.
Vào nam chống Pháp
Năm 1859, Pháp tấn công đánh chiếm được thành Gia Định, Nguyễn Tri Phương được cử đến Gia Định chỉ huy toàn quân xây dựng Đại đồn Chí Hoà ngăn quân Pháp.
Cùng lúc đó 22 quan đại thần trong Triều tiến cử Đỗ Quang vào nam giữ chức “Gia Định Tuần phủ, Đề đốc Quân vụ kiêm lý lương hướng” , phụ trách việc hành chính và hậu cần của công cuộc giữ đất Gia Định.
Trong khi Nguyễn Tri Phương dùng Đại đồn Chí Hoà ngăn quân Pháp, thì Tuần phủ Đỗ Quang đóng ở dinh Thuận Kiều tập hợp dân đồn điền và các nơi làm quân nghĩa dõng đến bảo vệ Đại đồn, đồng thời huy động dân chúng tiếp tế lương thực cho quân sĩ trong Đại đồn.
Quân Pháp tăng thêm viện binh rồi công phá Đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương bị thương phải chạy đến Biên Hòa. Đỗ Quang níu áo Nguyễn Tri Phương nói ông nên quay lại Gia Định chống Pháp. Nguyễn Tri Phương đáp rằng “Đại đồn mất rồi, ở lại đánh sao được?” . Đỗ Quang đáp lại ngay rằng: “Tuy đại đồn có mất nhưng còn đất, còn dân, còn đánh được!”.
Khi quân Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Đỗ Quang đưa quân đến Tân Hòa (thuộc Gò Công) cùng Trương Định giữ nơi hiểm yếu. Nhận thây Phó quản cơ Trương Định có tài cầm quân quyết chống Pháp, ông xin Triều đình phong cho Trương Định làm Lãnh binh, quân của Trương Định trở thành lực lượng chính chống Pháp. Đỗ Quang chiêu mộ quân chống Pháp, trở thành cầu nối quan trọng giữa Triều đình và nghĩa quân.
Tháng 12/1861, một số dân binh tấn công đồn Cần Giuộc (Long An) khiến quân Pháp gặp thiệt hại, phía nghĩa quân có 27 người bị mất. Đỗ Quang đã tổ chức lễ truy điệu và nhờ Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế. Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được đọc trong buổi lễ tế này gây xúc dộng mạnh cho giới sĩ phu, binh lính cùng dân chúng và nổi tiếng đến mãi sau này.
Tháng 3/1862, Quản binh Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân mai phục đốt cháy được tàu Espérance (Hy Vọng) của Pháp trên sông Nhật Tảo. Đỗ Quang tâu về Triều đình xin trọng thưởng những người đã tham gia trận đánh này.
Bài sớ gây chấn động Triều đình
Trong khi quân và dân Nam bộ đồng lòng chống Pháp thì Triều đình lại ký Hòa ước dâng trọn 3 tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cho Pháp. Các tướng chỉ huy quân dân buộc phải giải binh và đi nơi khác nhận nhiệm vụ mới.
Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân không nghe theo Triều đình mà theo dân tiếp tục chống Pháp. Đỗ Quang tuy rất muốn ở lại cùng dân chống Pháp, nhưng đành tuân theo lệnh Triều đình về Kinh thành.
Đến Kinh thành, ông được phong làm Tham tri bộ Hộ, sung chức Tuần phủ Nam Định. Nhận thấy mình bỏ dân ra bắc hưởng bổng lộc Triều đình, ông đã kiên quyết từ chối nhận chức và dâng lên vua Tự Đức bài sớ nổi tiếng, có đoạn:
Hôm thần về, sĩ dân đứng che kín cả đường nói: “Nay cha bỏ con, quan bỏ dân. Quan về thì quan lại làm quan, nhưng dân ở lại thì dân không còn được làm dân của Triều đình nữa”.
Tiếng kêu khóc đầy đường, thần cũng phải gạt nước mắt mà đi. Trần trộm nghĩ, thần tài hèn sức mọn, nhưng từ trước tới nay vẫn xum vầy với dân, chưa từng tính đến ngày bỏ dân mà về. Nghĩa dân từ trước từng vì Triều đình mà dốc hết sức người sức của, giờ chẳng biết bỏ thân nơi nào.
Như thế là thần, ở trên thì phụ với Triều đình, ở dưới thì phụ với dân trăm họ, tội không thể chối được. Giờ nếu thần lại lạm dự chức ở Nam Định thì biết ăn nói thế nào với dân Gia Định? Biết trả lời thế nào với công luận trong nước? Thần vẫn còn có chút lòng, quả là rất hổ thẹn. Vả chăng, thần vốn là kẻ có kiến thức nông cạn và hạn hẹp, nếu cứ gắng gượng mà làm việc mãi cũng chẳng thể gọi là báo bổ. Vậy, xin bệ hạ hãy thu sắc mệnh, cho thần được bãi chức về với làng với ruộng, hầu làm nguôi bớt lòng oán giận của sĩ dân, và cũng để giữ tiết liêm sĩ của thần vậy.
(Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện” )
Bài sớ được dâng lên gây chấn động cả Triều đình. Vua Tự Đức vốn rất nghiêm khắc cũng mềm lòng cho gọi Đỗ Quang đến rồi nói: “Trẫm đã biết lòng của ngươi rồi. Nên ngươi cũng phải hiểu lòng trẫm mà không được như thế!”
Đỗ Quang về nhà được ít lâu thì Triều đình gọi ông ra phong làm Tham tri bộ Hộ, nhưng ông cũng viện cớ xin thôi.
Năm 1864, miền Hải Dương, Quảng Yên bị giặc biển quấy nhiễu, khiến dân tình cực khổ, Triều đình cử ông đến nơi đây làm Tham tán Nam Hải chống giặc biển. Lần này vì dân nên ông nhận lời, nhưng sau khi đánh dẹp được giặc biển ông lại trả ấn xin trở về nhà.
Năm 1866, Đỗ Quang bị ốm nặng và mất khi mới 59 tuổi. Nhà Vua truy tặng chức Tư Thiện đại phu, Lễ Bộ thượng thư, ban tên Thuỵ là Trang Lược và cho thờ ông trong đền Hiền Lương nơi Kinh đô Huế.
Người ở làng Phương Điếm quê ông đã lập bài vị thờ ông ở đình làng, đồng thời tôn ông làm Thành Hoàng. Ngày nay Đình làng Phương Điếm và lăng mộ của Đỗ Quang đều được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trần Hưng
Đồn Chí Hòa và kỳ vọng ngăn bước quân Pháp của triều Nguyễn
Mời xem video :