Đổ lỗi cho nạn nhân: Hành động bóp chết công lý từ trong trứng nước
Thay vì ngăn ngừa tội ác, việc đổ lỗi cho nạn nhân lại tạo điều kiện cho cái ác xảy ra nhiều hơn.
Khi những thông tin về thảm kịch giẫm đạp tại Itaewon được đăng tải trên các trạng mạng xã hội, không khó để tìm được những bình luận như: "Câu nói đám đông là đám ngu luôn luôn đúng", "Tư tưởng giới trẻ kiểu?", "Muốn làm ma quỷ thì được toại nguyện cho còn đòi gì nữa"… Cách đây không lâu, một cô gái bị hiếp dâm tại homestay từ nạn nhân lại trở thành người bị cộng đồng mạng chỉ trích khi cho rằng phải làm sao thì mới bị làm nhục. Việc núp sau màn hình máy tính khiến nhiều người có thể mặc sức thể hiện quan điểm cá nhân mà không phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình. Kết quả, kẻ gây tội đôi khi được các "thẩm phán online" ra sức bào chữa, còn nạn nhân trở thành tội đồ. Đúng sai đảo lộn, tốt xấu khó phân định, người chịu thiệt cuối cùng là nạn nhân khi liên tiếp phải chịu đựng những tổn thương không đáng có.
Đổ lỗi cho nạn nhân là hành vi quy trách nhiệm cho nạn nhân thay vì thủ phạm. Cụm từ này xuất hiện từ năm 1971, trong cuốn sách Leming a Victiom viết về tình trạng phân biệt chủng tộc và giai cấp ở Mỹ. Tác giả đã mô tả việc đổ lỗi cho nạn nhân là cách bảo vệ lợi ích của nhóm người chiếm ưu thế hơn. Điều này giúp thủ phạm hợp lý hóa hành động của mình. Hiện nay, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng hành vi này bắt nguồn từ quan niệm ác giả ác báo - người xấu sẽ phải chịu hậu quả xấu, thiện giả thiện lai – người tốt sẽ được báo đáp. Hiểu ngược lại, nhiều người cho rằng khi gặp cái ác, việc xấu thì hẳn trước đó, nạn nhân phải làm gì sai. Nếu suy nghĩ một cách lý tính hơn thì sẽ nhận ra cách hiểu này hoàn toàn là suy diễn. Tuy nhiên, không gian mạng đã trở thành một môi trường để mọi cá nhân được bày tỏ quan điểm của mình, bao giờ cả quan điểm chưa chuẩn, nếu không muốn nói là sai lầm và lệch lạc.
"Họ muốn thể hiện rằng mình hiểu biết, giỏi hơn và không bao giờ gặp tai nạn như thế, bởi mình sẽ ăn mặc kín đáo hơn, không đi vào chỗ vắng… Đó là suy nghĩ của mọi người khi bình luận. Dù là những câu nói khá dã man với nạn nhân nhưng họ cho rằng bản thân có góc nhìn đa chiều về vấn đề đó, thay vì thương cảm cho nạn nhân, nhìn nhận vấn đề để phòng tránh. Cách nói không phải ý phòng tránh mà là ý thể hiện hơn người", chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương chia sẻ.
Nhiều người thường có xu hướng đổ lỗi cho người yếu thế vì họ dễ bị bắt nạt và ít có khả năng phản kháng hơn. Trong các vụ bạo hành, xâm hại…, người ta mới quy kết là nạn nhân ăn mặc thiếu đứng đắn nên mới khiến thủ phạm nảy sinh ý đồ xấu, hay người vợ không biết chiều chồng nên mới bị bạo hành… Điều này một mặt khiến nạn nhân phải chịu những định kiến vô lý, gánh nặng tâm lý không đáng có, mặt khác khiến những người lâm vào tình cảnh tương tự không dám lên tiếng tố cáo, không đủ dũng khí đối diện với dư luận và tội phạm. Do đó, thay vì ngăn ngừa tội ác, việc đổ lỗi cho nạn nhân lại tạo điều kiện cho cái ác xảy ra nhiều hơn.
"Tỷ lệ những người chịu sự chỉ trích mà gặp vấn đề trầm cảm là cực cao. Họ thường sẽ phải vượt qua khoảng thời gian trầm cảm như thế. Vết thương lòng đó sẽ không bao giờ xóa bỏ được, đặc biệt với những đứa trẻ bị chỉ trích theo dạng con không bao giờ khá được, hoặc đương nhiên con là đứa dốt, đứa kém. Những câu nói đó còn hủy diệt cả sự tự tin, khiến những đứa trẻ không vượt qua được", chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cho biết thêm.
Kẻ bị tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác. Có những người chịu sự công kích của cộng đồng lại nảy sinh sự oán hận, mất đi thiện cảm với người xung quanh. Họ dễ dàng buông lời cay nghiệt với người khác trong các vụ việc khác như một cách trả đũa cho những gì cộng đồng đã làm với họ. Chính vì vậy, hành vi đổ lỗi cho nạn nhân có thể tạo ra một chuỗi chu kỳ bạo lực tinh thần và những hậu quả khó lường. Đứng trước hành vi bạo lực này, mỗi cá nhân cần tỉnh táo để hiểu đúng bản chất vấn đề, suy nghĩ thấu đáo và có trách nhiệm với các phát ngôn của mình, tránh quy kết, chụp mũ, phán xét chủ quan, bởi không ai nắm tay từ tối tới sáng.
(VTV.vn) - Tại Ấn Độ, một cuộc phỏng vấn với kẻ cưỡng hiếp trên xe buýt đang khiến dư luận phẫn nộ khi thủ phạm đổ lỗi hoàn toàn cho nạn nhân.