DNSE - cổ đông ít biết của 'trùm trứng' Ba Huân
DNSE đầu tư vào CTCP Ba Huân từ quý 2/2022 và nhiều khả năng vẫn nắm giữ cổ phần tại đây cho tới hết ngày 30/9/2022.
Trung tuần tháng 3/2022, nữ doanh nhân Phạm Thị Huân – nhà sáng lập CTCP Ba Huân (Ba Huân) – xác nhận với truyền thông rằng đã bán lại 25% cổ phần Ba Huân cho một đối tác trong nước. Bên nhận chuyển nhượng được tiết lộ là một doanh trẻ tên Trần Việt Hưng và các thành viên trong gia đình ông.
Dẫn lời trên Dân Trí, bà Huân cho biết phía đối tác đã có mối quen biết lâu năm và bà đã mất hơn một năm để đi đến quyết định này.
Đồng thời, nữ doanh nhân sinh năm 1958 cũng tiết lộ sẽ để ông Trần Việt Hưng trải nghiệm trực tiếp tại Ba Huân trong 6 tháng trước khi chính thức bàn giao lại công việc điều hành. Mặt khác, ông Hưng sẽ bổ sung thêm nhiều nhân sự giỏi về công nghệ vào công ty để triển khai việc đổi mới.
"Anh này trẻ, giỏi, từng làm việc ở nước ngoài, đam mê về nông nghiệp, đưa ra định hướng mới rất tốt. Tuổi trẻ bây giờ hay lắm, còn năm nay tôi cũng gần 70 tuổi rồi, đâu thể giữ vai trò tổng giám đốc điều hành hoài. Tôi nhường 25% để anh Hưng có thể linh hoạt, ra quyết định nhanh hơn", bà Huân chia sẻ.
Dữ liệu của VietTimes thể hiện việc chuyển giao quyền điều hành ở Ba Huân đã diễn ra suôn sẻ với việc ông Trần Việt Hưng (SN 1985) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty kể từ tháng 8/2022.
Đáng chú ý, ông Hưng từng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH VIG Growth (nay là CTCP VIG Growth). Thành lập từ tháng 7/2021, VIG Growth từng là cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán Thủ Đô (CASC) trước khi chuyển nhượng cổ phần cho ông Nguyễn Đình Ngôn.
Ngoài ra, ông Hưng còn là người đại diện theo pháp luật của nhiều pháp nhân như: Công ty TNHH ACE Exhibits, Công ty TNHH MTV Sunyau Expo Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ Triển lãm Hồng Hạc, Công ty TNHH Hess Việt Nam.
Ít ai biết, cơ cấu cổ đông của Ba Huân còn có sự tham gia của một công ty chứng khoán: CTCP Chứng khoán DNSE (DNSE).
Khoản đầu tư vào Ba Huân được DNSE ghi nhận từ cuối quý 2/2022 với giá gốc 280 tỉ đồng và nhiều khả năng vẫn còn nắm giữ cho tới cuối quý 3/2022.
Khoản đầu tư của DNSE, nếu tính theo mệnh giá mỗi cổ phần của Ba Huân (10.000 đồng/cp), sẽ tương đương với khoảng 28 triệu đơn vị, chiếm tới 30,7% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Song, với vị thế là nhà cung cấp trứng gia cầm chiếm lĩnh 30% thị phần, giá trị mỗi cổ phần của Ba Huân hẳn sẽ cao gấp nhiều lần thị giá. Và như vậy, tỷ lệ sở hữu của DNSE tại đây có thể thấp hơn nhiều con số nêu trên.
Động thái rót vốn vào Ba Huân của DNSE đáng chú ý hơn so với một khoản đầu tư tài chính thông thường của công ty chứng khoán, và cũng không loại trừ khả năng “cầm hộ” khách hàng.
Cận cảnh cơ cấu cổ đông của Ba Huân
Nhắc tới Ba Huân là gắn liền với tên tuổi của bà Phạm Thị Huân. Thương hiệu này ra đời từ năm 1985, khi bà Huân quyết định lên Chợ Lớn (TP.HCM) mở cơ sở chuyên thu mua và phân phối trứng gia cầm.
Đến tháng 2/2006, pháp nhân Ba Huân chính thức được thành lập với vốn điều lệ ở mức 129 tỉ đồng, trong đó bà Phạm Thị Huân góp 122 tỉ đồng, sở hữu 94,57% vốn.
Số cổ phần còn lại của công ty được góp bởi 5 thể nhân khác là các ông bà: Châu Canh (0,78%), Huỳnh Văn Be (0,78%), Nguyễn Bá Trí (2,33%), Phạm Thị Kim Anh (0,78%) và Phạm Thị Kim Em (0,78%).
Cập nhật đến tháng 9/2022, vốn điều lệ của Ba Huân đã được nâng lên mức 909,5 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm các ông bà: Phạm Thị Huân (63,96% vốn điều lệ), Châu Canh (4,18%), Phạm Thị Kim Em (4,18%), Phạm Thị Kim Anh (4,18%) và Phạm Thanh Hùng (6,16%).
Hiện nay, Ba Huân được cho là đang sở hữu 12 chi nhánh và đơn vị trực thuộc, 4 nhà máy, 3 trang trại chăn nuôi, 6 cửa hàng phân phối và sản phẩm trứng của công ty có mặt tại 3.000 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc./.
Theo Đồng Tiến