DNM lỗ gần 18 tỷ đồng trong quý 3
Theo BCTC quý 3/2022 mới công bố, Tổng CTCP Y tế Danameco (HNX: DNM) ghi nhận doanh thu giảm mạnh 68% và chịu lỗ sau thuế gần 18 tỷ đồng.
DNM lỗ gần 18 tỷ đồng trong quý 3
Cụ thể, quý 3, DNM đạt doanh thu hơn 57 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh (-57%) còn hơn 64 tỷ đồng nhưng vẫn cao hơn doanh thu. Hệ quả, DNM lỗ gộp 6.8 tỷ đồng sau khi khấu trừ (cùng kỳ lãi gần 30 tỷ đồng).
Doanh thu hoạt động tài chính tăng lên hơn 900 triệu đồng - gấp đôi cùng kỳ. Hầu hết các khoản chi phí đều giảm, như chi phí tài chính giảm 17% (còn gần 4 tỷ đồng), chi phí bán hàng giảm 85% (còn 1.6 tỷ đồng). Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp bật tăng gần 50%, lên 6.5 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lỗ sau thuế gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, DNM đạt doanh thu 248 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, và lỗ sau thuế hơn 43 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 12.3 tỷ đồng). So với kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022, Công ty thực hiện được chưa đầy 50% mục tiêu doanh thu (500 tỷ đồng) và nhiều khả năng phải quên đi kế hoạch có lãi (40 tỷ đồng) với tình hình kinh doanh hiện tại.
Theo giải trình từ DNM, doanh thu quý 3/2022 sụt giảm do dịch bệnh được kiểm soát khiến doanh thu các mặt hàng chống dịch giảm mạnh, dẫn đến giảm lợi nhuận sau thuế. Bên cạnh đó, DNM đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị sản xuất mặt hàng chống dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thị trường với trang phục chống dịch không còn, trong khi Công ty vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư dù không tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ, dẫn đến giá vốn sản phẩm tăng cao.
DNM có 2 quý liên tiếp báo lỗ | ||
Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức hồi tháng 6/2022, DNM thông qua phương án điều chỉnh dự án đầu tư nhà máy sản xuất vật tư y tế Quảng Nam. Theo đó, dự án được tăng vốn thêm gần 45 tỷ đồng, tổng thời gian điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư là 13 tháng.
Ngoài ra, hiện tại, Công ty đang tập trung chuyển đổi sang khai thác thị trường xuất khẩu, nghiên cứu sản xuất các mặt hàng khác để tăng doanh thu, nhưng có một số mặt hàng doanh nghiệp đang chấp nhận chịu lỗ để thâm nhập thị trường quốc tế. Mặt khác, Công ty cũng phải nâng cấp sửa chữa nhà máy để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế và đầu tư thêm trang thiết bị nâng cao năng suất sản xuất.
Thời điểm cuối tháng 9/2022, tổng tài sản DNM đạt 725 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn tăng 51%, lên 588 tỷ đồng, chiếm 81% tổng tài sản.
Tiền và các khoản tương đương chỉ bằng phân nửa so với đầu năm, còn gần 8.1 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn bật tăng lên 363 tỷ đồng, gấp gần 2.5 lần cùng kỳ. Hàng tồn kho giảm nhẹ, còn gần 168 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu, thành phẩm và hàng hóa.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tăng 50%, lên 627 tỷ đồng, chiếm 86% cơ cấu nguồn vốn. Vay nợ ngắn hạn giảm còn gần 103 tỷ đồng (đầu năm gần 146 tỷ đồng).
DNM được thành lập vào tháng 10/2004, trên cơ sở cổ phần hóa danh nghiệp nhà nước là Công ty Thiết bị y tế TW3 Đà nẵng, được cấp giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu vào tháng 6/2005. Vốn điều lệ tính đến thời điểm 30/09 là 43.78 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc, thiết bị và vật tư y tế.
Tại BCTC soát xét bán niên, các chi phí đồng loạt tăng mạnh trong khi doanh thu thuần giảm so với báo cáo tự lập khiến DNM chuyển từ lãi ròng hơn 13 tỷ đồng sang lỗ ròng gần 26 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Không chỉ vậy, Doanh nghiệp còn nhận thêm loạt ý kiến ngoại trừ từ kiểm toán, bao gồm: Tính phù hợp về giá vốn hàng bán 6 tỷ đồng mà doanh thu chỉ 2 tỷ đồng; không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của hàng tồn kho (là linh kiện máy thở, ứng với khoản nợ phải trả nhà cung cấp gần 9 tỷ đồng); tính hiện hữu của tài sản máy móc, thiết bị (37 tỷ đồng) dùng cho hoạt động liên kết với Bệnh viện TW Thái Nguyên do thiếu biên bản bàn giao; thời điểm ghi nhận doanh thu và giá vốn hàng hóa số tiền 28 tỷ đồng không có sự hợp lý, cùng việc dự phòng giảm giá 1.7 tỷ đồng là chưa đúng quy định; chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu với số tiền vượt quá nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (8.8 tỷ đồng so với 6.2 tỷ đồng)...
Trên thị trường, xu hướng đổ đèo của cổ phiếu DNM diễn ra từ cuối tháng 3 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Phiên chiều 25/10, thị giá là 18,100 đồng/cp, giảm gần 4 lần so với đỉnh 71,700 đồng/cp ngày 29/03.
Diễn biến giá cổ phiếu DNM từ đầu năm 2022 | ||
Hồng Đức