Đỉnh lãi suất có phải là đáy của thị trường chứng khoán?

Chia sẻ Facebook
07/04/2023 11:36:35

Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phân tích đầu tư SSI Research – bà Hoàng Việt Phương và Phó Giám đốc Chiến lược Đầu tư SSI Research – ông Nguyễn Trọng Đình Tâm đã có những bình luận về động thái hạ lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong talkshow “Gõ cửa tháng mới”.

Đỉnh lãi suất có phải là đáy của thị trường chứng khoán?


Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phân tích đầu tư SSI Research – bà Hoàng Việt Phương và Phó Giám đốc Chiến lược Đầu tư SSI Research – ông Nguyễn Trọng Đình Tâm đã có những bình luận về động thái hạ lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong talkshow “Gõ cửa tháng mới”.

Talkshow “Gõ cửa tháng mới”

Bà Hoàng Việt Phương cho biết, động thái hạ lãi suất của NHNN 2 lần trong tháng 3 vừa qua diễn ra nhanh và bất ngờ hơn so với dự báo.

Lần giảm đầu tiên, chủ yếu đối với lãi suất mang tính điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu. Lần giảm thứ 2, liên quan đến trần lãi suất huy động, trong đó mức giảm là 0.5% đối với các khoản huy động từ 6 tháng trở xuống, cụ thể từ 6% xuống còn 5.5%.


Theo đánh giá của bà Phương, dù mức giảm không lớn nhưng điều này đã cho thấy định hướng của NHNN rằng cần phải giảm lãi suất. Các số liệu vĩ mô quý 1/2023 vừa công bố, phần nào giải thích lý do NHNN có bước tiến mạnh mẽ như vậy. SSI Research đánh giá bước đi của NHNN là khá phù hợp.

“Chúng ta có GDP quý 1 ở mức 3.3%, nếu như loại trừ những tác động từ giai đoạn COVID-19, mức tăng GDP này đưa chúng ta quay về thời kỳ năm 2011, có thể gọi là giai đoạn khủng hoảng của chu kỳ trước và lãi suất đã được điều chỉnh để hỗ trợ cho nền kinh tế”, bà Phương cho biết.


Trên thực tế, các biện pháp của NHNN cũng đem lại hiệu quả. Theo quan sát của SSI Research, lãi suất cho vay thực tế trên thị trường ngay sau khi NHNN đưa ra động thái giảm lãi suất đã giảm từ 200-250 điểm (2%-2.5%), một số khoản như cho vay mua nhà cũng được các NHTM điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, để đánh giá rõ ràng hơn, cần đặt động thái của NHNN trong một loạt những biện pháp của Chính phủ đưa ra kể từ tháng 3 trở lại đây, bao gồm các biện pháp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ tăng trưởng như Nghị định 08/2023/NĐ-CP liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể giãn thời hạn trả nợ tối đa 2 năm. Quan trọng nhất là Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ một tuần sau, đưa ra tổng hòa nhiều biện pháp khác nhau, trong đó nêu lên vấn đề nhà ở xã hội cũng như tái cơ cấu nợ cho các chủ đầu tư bất động sản.

Đỉnh lãi suất là đáy của thị trường chứng khoán?

Ngoài ra, một góc nhìn thú vị được đưa ra trong chương trình là “Đỉnh lãi suất là đáy của thị trường chứng khoán?”. Bà Phương hoàn toàn đồng ý rằng lãi suất là một biến số rất quan trọng trong việc dự đoán biến động của thị trường, nhưng chưa đầy đủ.


“Nếu chúng ta chỉ coi lãi suất là biến động duy nhất để dự đoán VN-Index thì có thể chưa đầy đủ và phiến diện. Điều này chỉ đúng khi thị trường có đúng một biến số lãi suất mà thôi”, bà Phương bình luận.

Nhiều biến số khác diễn biến độc lập nhưng có thể ảnh hưởng đến thị trường như dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài, diễn biến của hệ thống tài chính và hệ thống các ngân hàng trên thế giới, dù diễn biến độc lập nhưng nó sẽ quay lại ảnh hưởng đến các ngân hàng trong nước.

Vì vậy, có thể điều chỉnh quan sát “đỉnh lãi suất là đáy của thị trường chứng khoán” trở thành “khi đa số các biến số rủi ro tạo đỉnh thì thị trường sẽ tạo đáy” thì hợp lý hơn.

Các đợt điều chỉnh lãi suất trong quá khứ và ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán

Bà Phương cho biết, trong các giai đoạn khủng hoảng của chu kỳ trước 2008 - 2009, hàng loạt các sự kiện xảy ra tại thị trường Mỹ như sự sụp đổ của Bear Stearns và Lehman Brothers tháng 3 rồi tháng 9 năm 2008. Trong giai đoạn đó, Fed đã có sự thay đổi về chính sách tiền tệ từ quý 3/2007. Sau một loạt các lần giảm lãi suất, đến 12/2008 lãi suất của Fed đã đưa về bằng 0%. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tạo đáy 3 tháng sau đó, và tiếp tục 3 tháng sau nữa thì kinh tế Mỹ chạm đáy và chấm dứt khủng hoảng.

Đối với thị trường trong nước, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm dẫn chứng chuỗi sự kiện hạ lãi suất của NHNN và tác động lên thị trường chứng khoán dưới góc nhìn kỹ thuật.


Đỉnh lãi suất của Việt Nam trong chu kỳ trước là vào năm 2011. Cụ thể, NHNN vào tháng 03/2011 có quy định trần lãi suất huy động đối với VND cho các tổ chức tín dụng ở mức là 14%. Sau đó từ 09/2011 và 06/2013, NHNN đã 8 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động tiền gửi VND , đưa lãi suất huy động VND có kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng từ giảm từ 14%/năm về mức 7%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay giai đoạn này cũng giảm tương đối nhanh, từ với biên độ là 18.2%/năm vào năm 2011 xuống còn 15.4% năm 2012 và 10.5% trong khoảng 6 tháng đầu năm 2013.

Dưới góc nhìn kỹ thuật giai đoạn 2011 – 2013. Khoảng thời gian từ tháng 08 và 09/2011, giai đoạn có những thông tin xoay quanh việc điều chỉnh giảm lãi suất (lần đầu tiên) của NHNN, thị trường chứng khoán đã bật tăng mạnh. Nhưng sau đó, thị trường đã điều chỉnh trở lại. Đến tháng 01/2012 thì thị trường mới tạo nên đáy cứng.

“Những góc nhìn trong quá khứ giúp chúng ta có thể đưa ra những tham chiếu trong giai đoạn sắp tới”, ông Tâm cho biết.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index giai đoạn 2011-2013


Về dự báo thị trường tháng 4, qua góc nhìn kỹ thuật, đường đi của MA20 và MA50 từ đầu năm vẫn vận động sideway (đi ngang) trong kênh giá với cận trên là 1,090 – 1,100 và cận dưới là 1,020 điểm. Nhiều khả năng xu thế này sẽ được duy trì trong ngắn hạn, cho đến khi có những phiên bùng nổ đi kèm sự xác nhận của khối lượng, khi đó mới có được xu thế tăng tiếp theo. VN-Index vẫn đang sideway, nhiều khả năng đó là xu thế chính trong khoảng thời gian tháng 4 sắp tới.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index

“Xu hướng ngắn hạn vẫn đang là sideway, còn xu hướng trung hạn của chỉ số vẫn đang là giảm”, ông Tâm kết luận.

Kha Nguyễn

Chia sẻ Facebook