Định giá chứng khoán liệu đã đủ hấp dẫn để nhà đầu tư quay trở lại?
Nhìn về triển vọng chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, vị chuyên gia nhấn mạnh thị trường vẫn còn triển vọng tích cực trong môi trường lạm phát thấp. Đặc biêt, kết thúc tháng 5 thị trường vẫn đang giữ được mốc quan trọng là 1.200 – 1.300 điểm.
VN-Index chứng kiến nhịp giảm mạnh trong tháng 5 do nhiều thông tin bao trùm thị trường. Đưa ra nhận định trong bản tin "Chiến lược thị trường tháng 6", ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng đà sụt giảm của thị trường đến từ một số nguyên nhân chính (1) những thông tin tiêu cực về xử lý vi phạm cũng khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực (2) FED thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn để kiểm soát lạm phát (3) tâm lý của nhà đầu tư nhỏ lẻ và áp lực margin trên thị trường.
Bàn về những yếu tố tác động đến thị trường thời gian tới, nhà đầu tư nên chú ý đến động thái của Fed. Lạm phát ở Mỹ đang cao nhất trong vòng 40 năm, thậm chí mức này cao hơn thời điểm lãi suất cao nhất trong năm 2018. Do đó, việc Fed tiến hành tăng mạnh lãi suất đề kiềm chế áp lực lạm phát là điều chắc chắn xảy ra.
Hiện tại, Fed có hai cách để thắt chặt là giảm tài sản trên bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất. Dự báo trong vài tháng tới, Fed sẽ thực hiện những đợt tăng lãi suất ở mức 0,5% trong mỗi đợt. Tuy nhiên, mỗi đợt Fed tăng lãi suất sẽ có sự báo trước nên sẽ không gây cú sốc lớn đối với thị trường.
Đối với vấn đề khủng hoảng an ninh lương thực đến từ những căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraine và chính sách Zero Covid tại Trung Quốc có thể khiến áp lực lạm phát chưa thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng Việt Nam là nằm trong chuỗi cung ứng nên sẽ ít phải chịu áp lực lạm phát hơn so với các quốc gia khác. Mặt khác, rủi ro về giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp.
"Về mặt định giá thị trường vẫn đang ở mức định giá rất rẻ. Thống kê từ năm 2013 đến nay, chỉ có khoảng 2 lần P/E thị trường ở dưới vùng 12 lần và mức P/E hiện vẫn đang là mức thấp nhất trong 6 năm vừa qua. Đây cũng mức chiết khẩu đủ hấp dẫn để nhà đầu tư quay trở lại thị trường",
Chuyên gia Yuanta cho rằng thị trường sẽ cân bằng trở lại và đi lên trong tháng 6. Đối với kịch bản tích cực, VN-Index có thể quay lại vùng 1.345-1.390 điểm, còn trong kich bản thận trọng chỉ số có thể dao động quanh mức 1.315 điểm.
Thứ nhất, cổ phiếu công nghệ là một nhóm "trú ẩn" khá lý tưởng trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng cao. Thứ hai, nhóm phân bón vẫn được hưởng lợi tốt trong khi căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và thị trường nội địa cũng đang hồi phục trở lại. Thứ ba, nhóm bán lẻ với tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhu cầu tiêu dùng đang quay trở lại. Mặt khác, Chính phủ đang có những chính sách để hỗ trợ nhiều ngành kinh tế hồi phục, nhóm bán lẻ sẽ hưởng lợi tốt.
Cũng đưa ra quan điểm tích cực về thị trường trong tháng 6, Chứng khoán VNDirect cho rằng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới. Đơn cử như tình hình dịch Covid-19 được cải thiện ở Trung Quốc là tin vui cho chuỗi cung ứng toàn cầu, tốc độ phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những quý tới và triển vọng lợi nhuận khả quan của các doanh nghiệp.
Về định giá thị trường, P/E của VN-Index giảm xuống dưới mức P/E trung bình 5 năm. Theo xác suất thống kê, ít hơn 5% khả năng P/E giảm xuống dưới mức này, cho thấy định giá thị trường đang ở mức rẻ so với trung bình lịch sử. Đội ngũ phân tích VNDirect cho rằng mức định giá thị trường là rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao.
"Thị trường đã tạo đáy thành công trong tháng 5. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục trong tháng 6, song vẫn chưa thể bứt phá mạnh do chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét và thanh khoản vẫn đang ở mức thấp. Vì thế nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý và hạn chế sử dung đòn bẩy tài chính để hạn chế rủi ro"