Dính bẫy lừa của nữ công an giả mạo, 13 người mất hơn 9 tỷ
Mười ba người đã bị một phụ nữ ở Hà Nội chiếm đoạt hơn 9 tỷ bằng chiêu lừa “chạy việc” vào ngành Công an và mua xe thanh lý của bộ.
Mười ba người đã bị một phụ nữ ở Hà Nội chiếm đoạt tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng bằng chiêu lừa “chạy việc” vào ngành công an và hứa hẹn mua xe thanh lý của Bộ Công an và Bộ Tài chính. Có người bị lừa đến 2,8 tỷ đồng.
Ngày 5/12, TAND TP. Hà Nội đưa bị cáo Ngô Thị Chinh (SN 1974, ngụ Đông Anh, TP. Hà Nội) ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Trước đó, từ năm 2021-2022, cơ quan công an nhận được nhiều đơn tố giác bà Chinh có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định bà Chinh là lao động tự do, không có chức năng, nhiệm vụ trong việc tuyển chọn công dân vào công tác trong ngành công an và bán xe ô tô do Bộ Công an, Bộ Tài chính thanh lý. Tuy nhiên, bà Chinh đã tự giới thiệu mình là công an và quen biết với nhiều lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, nói dối có thể xin cho người khác vào làm việc trong ngành Công an và mua được xe ô tô do 2 Bộ trên bán thanh lý, để người khác tin tưởng, giao tiền rồi chiếm đoạt
Theo tài liệu điều tra, ông L.M.H. (SN 1973, ngụ Gia Lâm, TP. Hà Nội) có con trai là L.M.S (SN 1995) đi nghĩa vụ công an và đã ra quân vào tháng 3/2018. Sau khi biết chuyện, bà Chinh giới thiệu với ông H. rằng mình là cán bộ công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ – Bộ Công an và hứa hẹn xin cho con trai ông H. quay lại ngành công an (tiếp tục công tác tại Công an quận Tây Hồ) với chi phí 700 triệu đồng. Do tin tưởng bà Chinh, từ tháng 4/2018 đến ngày 31/1/2019, ông H. đã 3 lần chuyển cho bà Chinh hơn 2,3 tỷ đồng.
Để tạo lòng tin, ngày 19/3/2019, bà Chinh gửi tin nhắn cho ông H. ảnh chụp một văn bản có nội dung cho thấy anh L.M.S. được Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động gọi quay lại ngành theo chỉ tiêu bổ sung của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô. Tuy nhiên, sau đó con trai ông H. vẫn không được tuyển vào như nội dung trên.
Thấy vậy, ông H. đã đòi tiền và được bà Chinh viết giấy nhận nợ, giấy vay tiền. Trong giấy nhận nợ, bà Chinh xác nhận xin việc cho con trai ông H.. Tại cơ quan điều tra, ông H. chỉ yêu cầu bà Chinh trả 700 triệu đồng. Đến nay, bà Chinh đã trả được 500 triệu đồng.
Với thủ đoạn như trên, bà Chinh cũng lừa đảo, chiếm đoạt của ông T.V.C. (SN 1974, ngụ Mê Linh, TP. Hà Nội) 650 triệu đồng khi hứa hẹn xin cho con ông C. được xét tuyển vào học tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, bà Chinh còn chiếm đoạt tiền của nhiều người có nhu cầu mua ô tô thanh lý của Bộ Tài chính, Bộ Công an. Trong đó, anh N.T.S. (SN 1984, ngụ Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) bị bà Chinh chiếm đoạt gần 2,8 tỷ đồng.
Tháng 5/2021, bà Chinh hứa hẹn đứng ra mua 11 xe ô tô nhãn hiệu Audi, Toyota Camry… do Bộ Tài chính bán thanh lý cho anh S.. Tuy nhiên, sau khi nhận được gần 2,8 tỷ đồng của anh S., bà Chinh không thực hiện như cam kết. Đến nay, bà Chinh mới trả cho anh S. 200 triệu đồng, còn chiếm đoạt gần 2,6 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định từ tháng 4/2018 đến tháng 10/2021, bà Chinh đã cầm tiền và hứa hẹn xin vào ngành công an cho 4 người, đứng ra mua xe ô tô thanh lý cho 9 người. Tổng cộng, bà Chinh đã chiếm đoạt của 13 người số tiền hơn 9 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, ngoài việc hứa hẹn xin cho con trai ông H. quay lại ngành công an công tác, bà Chinh còn giới thiệu có khả năng đổi tiền Việt Nam đồng sang tiền mới và ngoại tệ. Từ ngày 25/1 đến ngày 25/10/2019, ông H. đã nhiều lần chuyển khoản 75 tỷ đồng cho bà Chinh để nhờ bà này đổi giúp ra tiền ngoại tệ và tiền Việt Nam đồng mới.
Bà Chinh đã đổi tiền được một số lần và trả tiền cho ông H., đến nay, vẫn còn nợ 24,3 tỷ đồng chưa trả. Bị cáo thừa nhận việc có nhận của ông H. hơn 75 tỷ đồng để đổi tiền, nhưng không xác định được số tiền hiện còn nợ là bao nhiêu.
Cáo trạng xác định đây là quan hệ dân sự, không thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT, việc giải quyết sẽ do hai bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện dân sự.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bà Chinh trình bày từ năm 2018, bà quen người đàn ông tên Tuấn, người này giới thiệu làm ở Bộ Công an. Do có tình cảm với ông Tuấn nên bị cáo đã tin tưởng, mê muội, sau khi nhận tiền của các bị hại, bị cáo đưa hết cho người đàn ông này để nhờ giúp đỡ. “ Khi bị cáo đề nghị anh Tuấn trả tiền, thì anh ta khất lần. Bị cáo đã phải cầm cố nhà, đi vay lãi để trả tiền cho người bị hại ”, bà Chinh khai.
Cũng theo lời khai của bà Chinh, ông Tuấn chính là người đã đưa bà vào Bộ Tài Chính để nhờ một người đàn ông tên Hải đổi tiền giúp.
Trình bày tại tòa, ông H. cho biết sở dĩ ông tin tưởng giao tiền cho bị cáo vì khi đến nhà, thấy bà Chinh xếp tiền đầy nhà, quần áo ngành công an cũng treo khắp nơi trong nhà.
Sau một ngày xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ vai trò của người đàn ông tên Tuấn như lời khai của bị cáo trong vụ án này.
Khánh Vy
Chánh án: Việc bà Thu Nga khai 'chạy' vào QH - 'Không có gì là giấu giếm, không có gì mờ ám ở đây cả'
Đại biểu hỏi Chánh án Nguyễn Hoà Bình về vụ Trương Hồ Phương Nga, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhầm sang việc chất vấn về cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga "muốn khai mà không được khai" việc "chạy" vào Quốc hội tại phiên xét xử. Nhầm…