Điều Việt Nam cần làm để tiếp tục là “cái rốn” hút vốn đầu tư từ EU

Chia sẻ Facebook
13/07/2023 03:06:02

Bất chấp khó khăn hiện tại, Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong trung hạn nhờ vị thế một trung tâm sản xuất hàng đầu Đông Nam Á…

Việt Nam từ lâu đã nổi danh với tư cách điểm sáng thu hút đầu tư sáng giá nhất châu Á. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt mà chúng ta đang phải đối mặt khiến “cái rốn” hút vốn đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) bị kém hấp dẫn.


Tình thế khó khăn trước mắt


Theo Đài Deutsche Welle (DW) của Đức, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng nể, trung bình gần 6% hàng năm từ năm 2010 đến năm 2022, và mức tăng trưởng cao nhất châu Á trong thời kỳ đại dịch Covid-19 năm 2020. Nhưng bối cảnh kinh tế thế giới đang không thuận lợi.


Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ hiện chiếm hơn 90% nền kinh tế Việt Nam, tăng từ khoảng 2/3 một thập kỷ trước.


Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất siêu sang thị trường EU ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu do Tổng cục Thống kê của đất nước (GSO) công bố hồi cuối tháng 6.


Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% ( quý II tăng 4,14%), chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.


Theo đánh giá của GSO, trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có mức tăng trưởng chậm lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hà Nội, tháng 11/2022. Ảnh: DPA/DW


Oxford Economics gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 4,2% xuống còn 3% trong năm 2023. Chính phủ Việt Nam kỳ vọng mức tăng trưởng là 6,5%, thấp hơn mức 8% đạt được trong năm ngoái.


Cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là sản xuất năng lượng và vận tải, hiện đang có dấu hiệu của nhiều năm không được đầu tư. Tình trạng mất điện ở miền Bắc đất nước thậm chí đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đa quốc gia, bao gồm Samsung, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc có công ty con hiện là công ty lớn nhất tại Việt Nam.


Các tổ chức về kinh doanh nói với DW rằng cần phải có nguồn cung năng lượng đáng tin cậy, và việc Việt Nam có thể đảm bảo điều đó hay không sẽ quyết định liệu quốc gia Đông Nam Á có giữ vững được danh tiếng “cái rốn” hút vốn đầu tư hay không.


“Việt Nam đang ở trong một tình thế khó khăn và các thành viên của chúng tôi chắc chắn đang chịu ảnh hưởng lớn, và điều này dẫn đến một số quyết định kinh doanh khó khăn”, ông Guido van Rooy, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV), cho biết. Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong số các quốc gia thành viên EU.


Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho rằng những gì xảy ra trong những tháng và năm tới sẽ quyết định hướng đi của đất nước.


Triển vọng dài hạn vẫn khá


Ông Marco Förster, trưởng bộ phận tư vấn ASEAN tại công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, cho biết điều quan trọng cần nhớ là các nền kinh tế luôn “theo chu kỳ”.

Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang tìm kiếm các nhà đầu tư trong bối cảnh những thách thức kinh tế rộng lớn. Ảnh: Asia Briefing


Hồi cuối tháng 6, WB, HSBC và S&P đều đã cắt giảm triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay, dự đoán lần lượt là 6%, 5% và 5,5%.


Về cơ bản, cả 3 tổ chức quốc tế trên đều nói giống nhau: Vấn đề là ở nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính. Nếu nó phục hồi, nền kinh tế địa phương cũng vậy, nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó không kém phần quan trọng là xung đột ở Ukraine, với rất ít dấu hiệu cho thấy nó sẽ kết thúc trong tương lai gần.


Tuy nhiên, trong báo cáo công bố tuần trước, cơ quan xếp hạng tín dụng Mỹ S&P Global Ratings cho biết, Việt Nam vẫn có một lực lượng lao động trẻ, ngày càng có trình độ học vấn cao và có tính cạnh tranh cao – sức hút chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài.


“Triển vọng ổn định phản ánh kỳ vọng của chúng tôi rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong 24 tháng tới khi nhu cầu toàn cầu tăng lên và đất nước dần giải quyết những thách thức trong nước”, S&P lưu ý.


Triển vọng dài hạn của Việt Nam “vẫn còn rất nhiều tiềm năng, và đó là lý do tại sao trong tương lai gần, tôi không nghĩ rằng bất kỳ doanh nghiệp nào sẽ bỏ cuộc và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu những thách thức trong ngắn hạn”, ông van Rooy của DBAV, nói.

EuroCham Việt Nam viết trên trang web của mình ngày 9/6/2023 rằng họ và cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn hơn đã bày tỏ mối lo ngại về tình trạng thiếu điện ở Hà Nội và miền Bắc đất nước. Ảnh: Twitter


Trên mặt trận năng lượng, ông Fluit của EuroCham cho biết, giải quyết tình trạng thiếu điện đang diễn ra mà các doanh nghiệp nước ngoài trên toàn quốc phải đối mặt cũng là một vấn đề cấp thiết.


“Các nhà sản xuất chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu nếu không có nguồn cung năng lượng đáng tin cậy”, ông Fluit nói.


Phản ứng của Chính phủ Việt Nam sẽ định hình nền kinh tế của đất nước trong nhiều năm tới. “Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu háo hức chờ đợi các bước tiếp theo”, ông Fluit bổ sung.


“Do đó, chính phủ nhất thiết phải tìm ra các giải pháp chính sách táo bạo đồng thời xem xét bối cảnh kinh tế quốc tế rộng lớn hơn”, người đứng đầu EuroCham ở Việt Nam kết luận .


Minh Đức (Theo DW, Vietnam Briefing)

Chia sẻ Facebook