ĐIỀU TRA: "Cắt xén" hàng tỉ đồng của học viên lái ôtô
Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định cắt xén số km thực hành lái ôtô của học viên dù từng bị cơ quan chức năng phạt hành chính và truy thu 11,5 tỉ đồng về hành vi tương tự
Vừa qua, Báo Người Lao Động nhận được một số phản ánh của bạn đọc về việc hơn 3 năm qua, đa số học viên học và thi giấy phép lái xe (GPLX) ôtô tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định (sau đây viết tắt là Trung tâm, trụ sở ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định) đã bị cắt xén số kilômet (km) được học thực hành lái xe theo quy định.
Hợp đồng 1.100 km, thực hành 400 km
Vào cuộc tìm hiểu, phóng viên phát hiện theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, số km học thực hành lái xe đối với học viên hạng C là 1.100 km. Tuy nhiên, theo hồ sơ phóng viên có được, trong thời gian qua, mỗi học viên của khóa đào tạo GPLX hạng C tại Trung tâm chỉ được thực hành lái xe khoảng 400 - 500 km.
Điển hình, tại khóa C-257 đào tạo GPLX hạng C, Trung tâm ký hợp đồng với học viên về tổng thời gian đào tạo là 140 ngày, học phí gần 15,5 triệu đồng. Trong đó, thời gian đào tạo lý thuyết 168 giờ, thời gian thực hành lái xe 94 giờ và số km thực hành là 1.100 km.
Thế nhưng thực tế, quá trình đào tạo GPLX hạng C khóa C-257, thời gian từ ngày 13-3 đến 8-7-2022, cho thấy mỗi học viên chỉ được thực hành lái xe hơn 400 km - khoảng 36% quãng đường thực hành so với quy định và hợp đồng đào tạo được ký kết giữa hai bên. Như vậy, tại khóa đào tạo này, mỗi học viên đã bị "xén bớt" gần 700 km thực hành lái xe.
Hiện định mức về tiêu hao nhiên liệu đối với xe tải được dùng trong quá trình đào tạo GPLX hạng C tại một số cơ sở đào tạo lái xe ở tỉnh Bình Định là 12 lít dầu/100 km. Với 700 km thực hành bị cắt xén, Trung tâm đã "ăn gian" 84 lít dầu, tương đương khoảng 2 triệu đồng (giá dầu hiện 23.900 đồng/lít) của học viên. Mỗi năm Trung tâm đào tạo, nâng cấp GPLX ôtô cho khoảng 5.000 lượt học viên, với số lượng này, ước tính mỗi năm học viên học và nâng cấp GPLX ôtô bị Trung tâm "rút ruột" với số tiền lên đến hàng tỉ đồng từ việc cắt xén giờ thực hành lái xe.
Theo nhiều học viên thi lấy GPLX ôtô tại Trung tâm, ngoài việc bị "ăn gian" km thực hành lái xe, trong quá trình đào tạo, Trung tâm còn cắt xén cả thời gian đào tạo lý thuyết.
Lập sổ thực, "ảo"; giáo viên phải ký 2 sổ
Việc cắt xén số km thực hành lái ôtô của học viên tại Trung tâm không chỉ thực hiện trong hơn 3 năm qua, mà đã diễn ra từ hơn 12 năm trước. Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Định năm 2012, trong quãng thời gian từ năm 2010 - 2012, Trung tâm đã cắt xén gần 4,3 triệu km thực hành lái xe của hàng ngàn học viên. Thanh tra tỉnh Bình Định đã phạt hành chính và truy thu tổng số tiền khoảng 11,5 tỉ đồng.
Thời điểm đó, để hợp thức hóa cho hành vi trên nhằm qua mặt cơ quan chức năng, lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên lập 2 sổ theo dõi thực hành lái xe và 2 phiếu nhiên liệu. Cụ thể, việc theo dõi thực hành lái xe được lập thành 2 sổ, trong đó có 1 sổ ghi nhận số km học viên thực hành lái xe thực tế và một sổ ghi nhận số km học viên thực hành lái xe theo quy định hiện hành.
Tương tự, về nhiên liệu được cấp cho ôtô dạy thực hành cũng lập 2 phiếu. Trong đó có 1 phiếu nhiên liệu thực tế tương ứng với km học viên đã thực hành lái xe và 1 phiếu "ảo" tương ứng số km học viên được thực hành lái xe theo quy định hiện hành.
Toàn bộ phiếu thực và "ảo" trên đều có chữ ký của giáo viên dạy lái xe thực hành. "Thời điểm đó, chúng tôi đã biết việc ký các phiếu "ảo" không đúng với thực tế số km thực hành lái xe và mức nhiên liệu tiêu hao là trái quy định nhưng do lãnh đạo đơn vị yêu cầu và vì "miếng cơm manh áo" nên tất cả giáo viên dạy thực hành lái xe đều nhắm mắt làm theo" - một giáo viên dạy lái xe có thâm niên ở Trung tâm cho hay.
Như hơn 10 năm trước, thời gian gần đây, để đối phó cơ quan chức năng trong việc cắt xén số km của học viên thực hành lái xe, mỗi giáo viên dạy lái xe phải ký 2 sổ. Trong đó có một sổ ghi nhận thực tế số km học viên thực hành lái xe và một sổ do Phòng Đào tạo của Trung tâm lập, ghi số km học viên thực hành lái xe theo quy định hiện hành. Riêng nhiên liệu cấp cho xe dạy thực hành, do giáo viên phản ứng mạnh nên sau này họ chỉ ký một phiếu xuất nhiên liệu theo số km học viên thực hành lái xe thực tế.
Để đối phó với cơ quan thanh tra, lãnh đạo Trung tâm còn chỉ đạo bộ phận kỹ thuật “tua” thêm số km trên đồng hồ từng ôtô dạy thực hành để trùng khớp với số km học viên thực hành lái xe đã kê khống.
Theo Đức Anh