Điều tra các tàu cá sử dụng tên, đăng ký tàu giả để khai thác hải sản trái phép

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 13:48:29

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị các tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân tổ chức, môi giới đưa các tàu cá và ngư dân khai thái hải sản trái phép.

'Thẻ vàng' EC khó rút nếu vẫn còn tình trạng khai thác hải sản trái phép - Ảnh: HOÀI THƯƠNG


T heo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm tới nay, cả nước xảy ra 32 vụ/52 tàu/453 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó chủ yếu là do Malaysia bắt giữ, xử lý với 23 vụ/38 tàu/367 ngư dân.

Các địa phương có tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý nhiều là Kiên Giang (9 vụ/13 tàu/114 ngư dân), Cà Mau (4 vụ/8 tàu/28 ngư dân, vẫn đang tiếp tục xác minh số lượng ngư dân bị bắt giữ), Bình Định (4 vụ/6 tàu/38 ngư dân).

Ngoài ra còn 7 vụ/11 tàu cá/122 ngư dân đang chờ xác minh, nghi ngờ tàu cá thuộc tỉnh Kiên Giang, Cà Mau.

Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện một số vụ việc nghiêm trọng như sử dụng tên, đăng ký tàu giả để khai thác hải sản trái phép.

Gần đây nhất là vụ việc Malaysia bắt giữ 4 tàu cá của Việt Nam mang tên BOY05, BOY06, BOY08, BOY12 khai thác hải sản trái phép trong vùng biển Malaysia vào ngày 31-3.

Qua kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký tàu cá do thuyền trưởng các tàu bị bắt xuất trình, lực lượng chức năng Malaysia xác định 4 tàu cá trên là tàu cá của Cà Mau (CM-93000-TS, CM-96888-TS, CM-94777-TS, CM-93111-TS).

Về chống đối người thi hành công vụ, ngày 11-4, tàu KG - 93702 - TS, trong 20 ngư dân bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ có 1 ngư dân bị điều tra hình sự do không hợp tác, có hành động hung dữ và làm 1 cán bộ bạn bị thương.

Tiếp đó, ngày 22-4, tàu cá CM 93839 TS bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ có 1 ngư dân sẽ bị điều tra hình sự do không hợp tác và có hành vi chống đối khiến cho 01 cán bộ phía bạn bị thương.

Nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân tổ chức, môi giới đưa các tàu cá và ngư dân vụ việc nêu trên.

Trước đó tháng 9-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, các cấp tại địa phương, đặc biệt là tại cấp cơ sở phải trách nhiệm hơn nữa, sâu sát hơn nữa, tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đặc biệt, phải thực hiện được mục tiêu đến cuối năm 2021, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, để gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

EC từng cảnh báo chừng nào chỉ còn một tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm thì EC sẽ không rút "thẻ vàng".


Tuy nhiên từ đầu năm tới nay, nhiều tỉnh vẫn để tàu cá và ngư dân đánh bắt hải sản trái phép. Nếu việc vi phạm còn tiếp diễn, việc gỡ "thẻ vàng" EC sẽ khó khả thi, thậm chí có nguy cơ bị áp "thẻ đỏ".

Đó là khuyến nghị từ ông Nguyễn Quang Hùng, phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản tại hội nghị về kết quả kiểm tra của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 28-12 với 28 địa phương ven biển.

Chia sẻ Facebook