Điều Thái Lan tìm kiếm từ hiệp định thương mại song phương với EU
Trong khi Thái Lan tìm kiếm “cú hích” kinh tế, thì đây cũng là một phần trong xu hướng lớn hơn của EU nhằm hàn gắn lại các mối quan hệ với Đông Nam Á.
Trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) và Thái Lan bắt đầu vòng đàm phán thứ 2 về hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, vốn được cho là “cú hích” cho nền kinh tế của “đất nước chùa tháp” và sẽ giúp củng cố chính sách “xoay trục” sang Đông Nam Á của khối 27 quốc gia.
Các cuộc đàm phán thương mại ban đầu giữa EU và Thái Lan, bắt đầu vào năm 2013, đã bị đình trệ vào năm 2014 do cuộc chính biến ở quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) đã “bật đèn xanh” cho việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại vào cuối năm 2019, nhưng phải mãi đến tháng 9/2023 vòng đàm phán đầu tiên mới thực sự diễn ra ở Brussels
Vòng đàm phán thứ 2 dự kiến được tổ chức ở thủ đô Bangkok, từ ngày 22-26/1, và Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Phumtham Wechayachai đã bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào đầu năm 2025.
Các cuộc thảo luận mới nhất giữa EU và Thái Lan có thể sẽ căng thẳng. Việc cả 2 bên đều muốn bảo vệ ngành thủy sản của mình đang trở thành trở ngại lớn cho kết quả mong đợi cuối cùng. Phía Thái Lan cho biết, EU đang yêu cầu một thỏa thuận toàn diện hơn và có quy mô lớn hơn những gì nước này đã ký kết trong các FTA mà họ hiện đang có.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thái Lan, sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Thương mại song phương trị giá khoảng 32 tỷ Euro (34,8 tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm 2023.
Tìm kiếm “cú hích” kinh tế
Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á với dân số 71 triệu người, hiện đang phải đối mặt với suy thoái nghiêm trọng nhất trong 2 thập kỷ. Trải qua sự sụt giảm đáng kể về GDP và tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến do xuất khẩu giảm, nước này cũng phải vật lộn khi ngành du lịch – “xương sống” của nền kinh tế – gặp khó khăn do hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19.
Trong tuyên bố chính sách đầu tiên trước Quốc hội hồi tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Srettha Thavisin đã chỉ ra rằng nền kinh tế hậu đại dịch của Thái Lan có thể được so sánh với một “người bệnh”. Trong những chính sách cấp bách ngắn hạn, Chính phủ cần kích thích chi tiêu và xoa dịu những khó khăn trước mắt của người dân. Trong các chính sách trung và dài hạn, Chính phủ sẽ nâng cao năng lực của người dân bằng cách tạo thêm thu nhập, giảm chi phí và tạo ra nhiều cơ hội hơn.
Do đó, kế hoạch dài hạn của Chính phủ do ông Srettha dẫn dắt bao gồm việc khôi phục thương mại với các đối tác quốc tế, đặc biệt là với EU sau gần một thập kỷ gián đoạn. Theo đó, vòng đàm phán FTA chính thức đầu tiên giữa 2 bên đã diễn ra ở Brussels hồi tháng 9 năm ngoái. Các quan chức thương mại cấp cao khác của Nghị viện châu Âu (EP) đã đến thăm Bangkok vào tháng 12 năm ngoái để thảo luận sâu hơn về FTA.
Bên lề hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, bế mạc hôm 19/1, Thủ tướng Srettha, người đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen.
Nền kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 2,5% vào năm 2023. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan hiện phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao nhất từ EU, ở mức 11,5%, so với 5,6% của Malaysia và 8,1% của Indonesia, theo Economist Intelligence Unit (EIU).
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Tương lai, một tổ chức nghiên cứu học thuật phi lợi nhuận của Thái Lan, một FTA với EU sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm của Thái Lan thêm 1,2%, trong khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng năm sẽ tăng 2,8%.
Ngoài EU, Bangkok dự định kết thúc các cuộc đàm phán thương mại tự do trong năm nay với Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu – một khối thương mại gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Tìm kiếm thỏa thuận “toàn diện”
Đối với EU, các vòng đàm phán FTA với Thái Lan đã bổ sung thêm một quốc gia nữa vào danh sách mong muốn thương mại tự do và củng cố chính sách “xoay trục” sang Đông Nam Á của khối này. Trước đó, Brussels đã có các FTA với Việt Nam và Singapore. Các thỏa thuận khác với Indonesia và Philippines hiện đang được đàm phán.
Nếu 2 bên hoàn tất thỏa thuận, EU-Thái Lan FTA sẽ là FTA thứ ba của EU với một quốc gia thành viên ASEAN. Nhưng chặng đường từ đàm phán tới ký kết hiệp định còn nhiều chông gai, đặc biệt là khi tiêu chuẩn châu Âu rất khắt khe.
Bà Chotima Iemsawasdikul, Giám đốc Vụ Đàm phán Thương mại Thái Lan, thừa nhận có những thách thức. Bà cho biết, một thỏa thuận thương mại với Brussels “sẽ toàn diện và có tiêu chuẩn cao trong mọi lĩnh vực”, đặc biệt là về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và tiếp cận thị trường cho hoạt động mua sắm công.
Đây là những lĩnh vực mà Bangkok “chưa bao giờ cam kết” trước đây trong các FTA hiện có, bà Chotima nói với Đài DW của Đức.
DW dẫn các nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết, Brussels muốn Bangkok thực hiện quy trình đấu thầu các hợp đồng mua sắm công minh bạch hơn. EU cũng đang tìm kiếm khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho lĩnh vực dịch vụ và cải thiện các tiêu chuẩn môi trường.
Trong khi đó, các nhà đàm phán Thái Lan muốn EU nới lỏng các hạn chế đối với nhập khẩu nông sản và thủy sản. Và đây có thể là nguyên nhân gây tranh cãi lớn nhất.
“Nút thắt” lớn nhất
Tháng 6 năm ngoái, vài tháng sau khi tuyên bố nối lại các cuộc đàm phán FTA với Thái Lan, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết lập luận rằng “một hiệp định thương mại tự do với Thái Lan có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành cá và hải sản đóng hộp của EU”, vốn là nguồn mang lại của cải và việc làm hàng đầu ở các vùng ven biển.
Tương tự, Bangkok cảnh giác với việc làm suy yếu ngành thủy sản của chính mình. Một tháng sau khi nhậm chức, chính quyền của Thủ tướng Srettha cho biết họ sẽ xem xét lại Đạo luật Thủy sản, vốn nhằm trấn áp hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU).
Tuy nhiên, giới chức ngành đánh bắt cá Thái Lan cho biết, điều trên đã tạo ra quá nhiều quy định và hiện đang làm suy yếu ngành này, vốn mang lại giá trị khoảng 3,3 tỷ Euro cho nền kinh tế Thái Lan vào năm 2022.
Nhưng gần 90 tổ chức phi chính phủ (NGO) đã đồng ký một lá thư vào tháng 11 năm ngoái lập luận rằng việc Chính phủ Thái Lan có thể bãi bỏ quy định đối với lĩnh vực này có nguy cơ dẫn đến việc trả lương theo ngày, cho phép lao động trẻ em và làm suy yếu các biện pháp trừng phạt được thiết kế nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá IUU.
Năm 2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa Thái Lan khỏi nhóm “các quốc gia bị cảnh báo” để ghi nhận những tiến bộ của nước này trong việc giải quyết hoạt động đánh bắt cá IUU. Trước đó, Thái Lan đã bị “thẻ vàng” vào năm 2015.
“Bất chấp những thách thức, chính phủ Thái Lan coi việc hoàn tất EU-Thái Lan FTA là ưu tiên hàng đầu”, bà Chotima nói.
“Thái Lan mong muốn tham gia vào các cuộc thảo luận hiệu quả với EU trong các cuộc họp sắp tới, nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới và cùng có lợi. Mục tiêu sơ bộ của Thái Lan là ký kết thỏa thuận vào năm 2025”, vị quan chức bổ sung .
Minh Đức (Theo DW, EIAS)